Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ
Tuy nhiên, để thực sự trở thành “điểm đến mới” của điện ảnh thế giới, Việt Nam cần tăng cường hoàn thiện đồng bộ cơ chế chính sách, tăng cường đào tạo đội ngũ thế hệ trẻ, nâng cao hạ tầng và công nghệ, đồng thời xây dựng chiến lược quảng bá mạnh mẽ.
Có thể thấy, Luật Điện ảnh năm 2022 được ban hành đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với sự nghiệp điện ảnh dân tộc, tạo cơ sở pháp lý để phát triển điện ảnh Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng nhu cầu hội nhập của điện ảnh nước nhà.
Luật Điện ảnh năm 2022 đã có nhiều điểm mới, thể hiện rõ hơn cơ chế, biện pháp của Nhà nước huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển điện ảnh, công nghiệp điện ảnh; sắp xếp lại theo nhóm chính sách để bảo đảm tính logic, phù hợp với quy định của pháp luật về đầu tư, ngân sách Nhà nước, đồng thời khuyến khích tăng cường, xã hội hóa hoạt động điện ảnh; Sửa đổi các quy định về quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh sản xuất phim cho phù hợp với Luật Doanh nghiệp năm 2020 và các luật khác có liên quan.
Luật cũng quy định mới chế độ ưu đãi đối với tố chức nước ngoài sử dụng dịch vụ sản xuất phim Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ làm điện ảnh, quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, thúc đấy phát triển điện ảnh, du lịch và các ngành dịch vụ liên quan…
Kể từ khi Luật Điện ảnh năm 2022 có hiệu lực, hoạt động quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh được Nhà nước và các tổ chức, cá nhân quan tâm, tăng cường đầu tư và hỗ trợ. Bởi điện ảnh là một trong những phương thức xúc tiến quảng bá hàng đầu, góp phần to lớn vào thành công của các sự kiện quảng bá du lịch Việt Nam và phát triển công nghiệp văn hóa.
Khai mạc Chợ Dự án Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII tại Thủ đô Hà Nội, tháng 11 năm 2024
Bên cạnh Liên hoan phim Việt Nam và Liên hoan phim quốc tế Hà Nội được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì tổ chức thường niên, thì tại thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Nha Trang,.. đã tích cực chủ động quảng bá, xúc tiến phát triển điện ảnh thông qua tổ chức các Liên hoan phim, giải thưởng phim như Liên hoan phim Châu Á - Đà Nẵng, Liên hoan Phim quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, Liên hoan phim ngắn Thành phố Hồ Chí Minh, Giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam).
Lễ Khai mạc Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VII tại Thủ đô Hà Nội, tháng 11 năm 2024
Năm 2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục chủ trì, phối hợp với Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Định tổ chức sự kiện “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao - Tự hào bản sắc Việt” và Hội thảo “Du lịch, Điện ảnh và Thể thao: Kiến tạo tương lai - Đường dài chung bước”. Tại Hội thảo đã diễn ra lễ ký kết Biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Bình Định và các nhà sản xuất phim.
Đặc biệt, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại California và Los Angeles, Hoa Kỳ với chủ đề “Việt Nam - Điểm đến mới của Điện ảnh thế giới” cuối tháng 9 năm 2024 với quy mô lớn. Sự kiện đã thu hút hơn 500 khách mời là các nhà sản xuất, đạo diễn hàng đầu Hollywood, đánh dấu bước đột phá, sự đổi mới sáng tạo trong công tác xúc tiến du lịch Việt Nam nhằm khai thác phát triển du lịch thông qua điện ảnh, góp phần làm tăng cơ hội quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa Việt Nam tại thị trường Hoa Kỳ nói riêng và quốc tế nói chung. Giới thiệu Việt Nam không chỉ là điểm đến lý tưởng cho du khách, mà còn trở thành phim trường, là điểm đến hấp dẫn cho các nhà làm phim, đạo diễn điện ảnh và diễn viên hàng đầu thế giới.
Hội Điện ảnh Việt Nam và Liên hoan phim Châu Á Thế giới - Asian, World Film Festival - AWFF tại Chương trình xúc tiến du lịch - điện ảnh Việt Nam tại Hoa Kỳ, tháng 9 năm 2024
Quá trình hội nhập quốc tế về điện ảnh đang diễn ra mạnh mẽ, thúc đẩy vốn đầu tư nước ngoài đổ vào ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Hệ thống rạp với cơ sở hạ tầng, máy móc, thiết bị kỹ thuật hiện đại đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế được xây dựng tại nhiều thành phố lớn trên cả nước. Số lượng phim nước ngoài phổ biến chiếu tại rạp Việt Nam cũng tăng mạnh, xu hướng sản xuất phim remake - làm lại từ các phim nổi tiếng nước ngoài phát triển và bước đầu thành công về doanh thu.
Bên cạnh đó, một số bộ phim có góc nhìn đa chiều, phản ánh đời sống gia đình - xã hội, được thực hiện với hình thức hấp dẫn, có khả năng truyền tải thông điệp tích cực tới khán giả, ảnh hưởng tốt đến đời sống xã hội đã gặt hái được doanh thu cao và nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả, điển hình như: “Nhà Bà Nữ” doanh thu hơn 430 tỉ đồng; “Lật Mặt 6: Tấm vé định mệnh” doanh thu 273 tỷ đồng; “Mai” đạt doanh thu hơn 500 tỷ đồng; “Lật mặt 7” - một điều ước (2024) doanh thu hơn 482 tỷ đồng,… đã làm cú hích cho các nhà làm phim tiếp tục sản xuất những bộ phim có sự đột phá mới.
Poster phim Lật mặt 7 - Tấm vé định mệnh
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 316/QĐ-BVHTTDL ngày 06/02/2024 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc ban hành Kế hoạch phát hành, phổ biến thí điểm một số phim sử dụng ngân sách nhà nước, 08 phim có bán vé, bao gồm: 02 phim truyện: “Đào, Phở và Piano” và “Hồng Hà nữ sĩ”; chùm phim hoạt hình: “Bà của Đỗ Đỏ”, “Cái đuôi của cậu Ấm”, “Người hùng”, “Gia sản kếch sù”, “Cô bé tóc xù”, “Giấc mơ của con”đã được phổ biến từ ngày 10/2/2024 đến 30/3/2024. Theo đó, tổng doanh thu các phim từ Trung tâm Chiếu phim Quốc gia và 16 Cụm rạp tính đến hết tháng 3/2024, là Phim “Đào, phở và piano”: 22.735.020.000 đồng (bộ phim được Nhà nước đầu tư 100% ngân sách và đạt doanh thu cao nhất trong những năm gần đây); Phim “Hồng Hà nữ sĩ”: 203.275.000 đồng; “Chùm phim hoạt hình”: 12.920.000 đồng.
Poster phim Đào, Phở và Piano
Luật Điện ảnh năm 2022 đã mang lại những thay đổi tích cực, đạt được những thành tựu đáng khích lệ và đánh dấu bước phát triển quan trọng cho nền điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, để thực sự trở thành “điểm đến mới” của điện ảnh thế giới, chúng ta cần tiếp tục đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghệ, trường quay hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu sản xuất phim trong nước và thế giới. Tăng cường hợp tác với các học viện điện ảnh hàng đầu thế giới để đào tạo các nhà biên kịch, đạo diễn và chuyên gia kỹ thuật nhằm phát triển nguồn nhân lực, tìm kiếm các tài năng điện ảnh. Đẩy mạnh quảng bá và hợp tác với các nhà làm phim quốc tế để sản xuất các tác phẩm, dự án điện ảnh sử dụng bối cảnh chính tại Việt Nam.
Ngoài ra, cần xây dựng chiến lược quảng bá các tác phẩm xuất sắc trên các nền tảng số, nền tảng trực tuyến và tăng cường kết nối với các nhà phân phối phim ảnh quốc tế đảm bảo phim Việt Nam có cơ hội ra mắt tại các rạp chiếu lớn trên thế giới. Tiếp tục khai thác các câu chuyện về lịch sử và văn hóa để truyền tải được nét đặc trưng của vùng đất, văn hóa, con người Việt Nam nhằm tạo ra các tác phẩm điện ảnh mang dấu ấn riêng.
Bên cạnh đó, cần xây dựng cộng đồng khán giả và văn hóa điện ảnh. Đẩy mạnh giáo dục điện ảnh bằng cách lồng ghép kiến thức điện ảnh vào chương trình học để nâng cao nhận thức và tình yêu điện ảnh cho thế hệ trẻ. Thúc đẩy các chiến dịch truyền thông để người dân ủng hộ điện ảnh Việt, xem phim Việt.
Có thể nói rằng, tiềm năng để phát triển điện ảnh Việt Nam là rất lớn, điều còn lại là làm thế nào để thị trường điện ảnh tiếp tục vươn lên tầm cao mới, tăng trưởng thăng hoa, trở thành một trong những ngành trụ cột của công nghiệp văn hóa cần lắm sự ủng hộ, quan tâm của nhà nước, các nhà đầu tư và của khán giả trong nước.
Lam Lê