Các đại biểu cắt băng khai mạc triển lãm
Theo Ban Tổ chức, triển lãm là hoạt động thiết thực kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam (15.3.1953-15.3.2023); 92 năm ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh (26.3.1931-26.3.2023). Song song đó, sự kiện nhằm hưởng ứng và góp phần tham gia làm phong phú thêm các hoạt động ý nghĩa của “Tháng Thanh niên năm 2023”; phổ biến giá trị lịch sử và văn hóa của tư liệu, tài liệu, tác phẩm điện ảnh lưu trữ đến đông đảo công chúng.
Thông qua các tư liệu, hình ảnh quý giá và những tác phẩm điện ảnh Việt Nam có giá trị nghệ thuật, triển lãm cung cấp thêm cho công chúng một số dữ liệu thông tin về lịch sử đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc nói chung, lịch sử Điện ảnh cách mạng Việt Nam nói riêng, góp phần tuyên truyền, giáo dục truyền thống, đồng thời phục vụ nhu cầu nghiên cứu, học tập cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên.
Triển lãm diễn ra từ ngày 23.3 đến 6.4.2023, tại Cơ sở 2 Trường ĐH Văn hóa TP.HCM (288 Đỗ Xuân Hợp, phường Phước Long A, TP Thủ Đức).
Triển lãm giới thiệu hơn 200 bức ảnh về những sự kiện, tác phẩm và chân dung nghệ sĩ tiêu biểu đã làm nên dấu ấn rực rỡ cho nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam trong 70 năm qua thông qua ba chủ đề nội dung chính: Sự ra đời của Điện ảnh cách mạng Việt Nam; Những tác phẩm tiêu biểu qua 22 kỳ Liên hoan Phim Việt Nam; Chân dung nghệ sĩ điện ảnh tiêu biểu: Tôn vinh các nghệ sĩ điện ảnh được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân. Đây là nguồn ảnh tư liệu từ kho lưu trữ của Viện Phim Việt Nam.
Cùng với trưng bày hình ảnh, triển lãm còn giới thiệu ấn phẩm sách “Áp phích phim điện ảnh Việt Nam theo dòng lịch sử” (Tập 1: Áp phích phim điện ảnh Việt Nam từ năm 1953 đến năm 2000 – Viện Phim Việt Nam biên soạn, xuất bản năm 2023) và hoạt động chiếu phục vụ một số tác phẩm điện ảnh cách mạng Việt Nam.
NSND Trà Giang cùng các đại biểu, giảng viên và sinh viên xem và nghe thuyết minh về những hình ảnh tư liệu quý giá tại triển lãm
Theo đó, một số tác phẩm điện ảnh cách mạng Việt Nam trình chiếu phục vụ tại triển lãm gồm: Trận Mộc Hóa, phim tài liệu chiến sự đầu tiên do Điện ảnh Khu 8 Nam Bộ sản xuất năm 1948; Nước về Bắc Hưng Hải, Xưởng Phim Thời sự Tài liệu sản xuất năm 1959, phim tài liệu đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva lần I – 1959; Chung một dòng sông, phim Truyện đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam, Xưởng phim Việt Nam sản xuất 1959, giải thưởng Bông Sen Vàng nhân kỷ niệm 20 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam (1953-1973) công bố tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ II – 1973; Đáng đời thằng Cáo, phim Hoạt hình đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam, Xưởng phim Việt Nam sản xuất 1960, giải thưởng Bông Sen Vàng nhân kỷ niệm 20 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam (1953-1973) công bố tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ II – 1973; Cánh đồng hoang, Xí nghiệp phim Tổng hợp TP.HCM, sản xuất 1979, phim truyện đầu tiên của Điện ảnh cách mạng Việt Nam đạt Huy chương Vàng tại Liên hoan phim Quốc tế Moskva lần thứ 11 – 1981.
Đây là một trong những dịp hiếm hoi, triển lãm quy mô về điện ảnh diễn ra tại một trường ĐH
Phát biểu tại triển lãm, bà Nguyễn Thị Thúy Hà, Phó Viện trưởng Viện phim Việt Nam đã ôn lại truyền thống 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Theo đó, ngày 15.3.1953, tại chiến khu Việt Bắc, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập “Doanh nghiệp Quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam”, khai sinh nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam. Qua những chặng đường xây dựng và phát triển, Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của Nhân dân ta.
“Phù sa của dòng chảy lịch sử 70 năm ấy không ngừng được bồi đắp bởi tài năng, tâm huyết của nhiều thế nghệ sĩ điện ảnh Việt Nam thông qua việc sáng tạo tác phẩm, đặc biệt là những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng, vừa thấm đẫm giá trị lịch sử, nghệ thuật và niềm tự hào dân tộc, vừa để lại ấn tượng trong lòng công chúng trong nước và quốc tế…
NSND Trà Giang trò chuyện cùng các sinh viên tại triển lãm
Với mong muốn tiếp tục phổ biến rộng rãi đến đông đảo công chúng giá trị lịch sử và văn hóa của tư liệu, tài liệu, tác phẩm điện ảnh lưu trữ; Viện Phim Việt Nam đã ủy nhiệm cho Nhà Văn hóa Điện ảnh tại TP.HCM phối hợp với các đơn vị trực thuộc Trường ĐH Văn hóa TP, tổ chức triển lãm "Dấu ấn 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam”. Với nội dung phong phú, được bài trí tại một không gian đẹp, thoáng đãng, hy vọng triển lãm sẽ tạo được sự thu hút và mang đến cho công chúng, nhất là sinh viên những dữ liệu thông tin bổ ích, thú vị, cũng như góp thêm một góc nhìn ý nghĩa về lịch sử, văn hóa dân tộc nói chung, lịch sử nền Điện ảnh cách mạng Việt Nam nói riêng”, bà Nguyễn Thị Thúy Hà bày tỏ.
Theo TS Trịnh Đăng Khoa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM, hiện nhà trường có quy mô hơn 4.000 sinh viên, học viên thuộc 15 chuyên ngành đào tạo. Trong tất cả các chuyên ngành đào tạo, Nhà trường đều lồng ghép, cập nhật kiến thức văn hóa - nghệ thuật, trong đó bao gồm điện ảnh, để qua đó mong muốn làm tốt hơn nữa công tác giáo dục lịch sử, truyền thống, nâng cao trình độ người học, góp phần tích cực vào việc bồi dưỡng chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho người học, đặc biệt là chú trọng trang bị kiến thức cho đội ngũ nhân lực làm công tác văn hóa... Với ý nghĩa đó, hy vọng triển lãm sẽ mang đến cho sinh viên, học viên cũng như công chúng tham quan nhiều thông tin bổ ích thông qua những tác phẩm điện ảnh kinh điển được trình chiếu cũng như thưởng lãm những bộ ảnh tư liệu quý giá trong thời gian diễn ra triển lãm tại nhà trường.
Dịp này, Viện Phim Việt Nam đã tặng Trường ĐH Văn hóa TP.HCM bộ sưu tập hình ảnh lưu trữ và ấn phẩm sách Áp phích phim điện ảnh Việt Nam từ năm 1953 đến năm 2000.
Theo Báo Văn hóa