TS. Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh
Hội nghị do Sở VHTT TP.HCM tổ chức với sự chủ trì của TS Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) và bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM.
Có tình trạng cơ quan ngoại giao trình chiếu phim không xin phép
Tại Hội nghị, đại diện Sở Ngoại vụ TP.HCM nêu trường hợp: “Thời gian qua, một số cơ quan ngoại giao tổ chức chiếu phim, thậm chí tổ chức tuần lễ phim, LHP, dù họ đều tuân thủ theo quy định Việt Nam, nhưng cũng có một số trường hợp rất đáng lo ngại. Nếu như chỉ chiếu trong nội bộ cơ quan họ xem thì không sao, tuy nhiên họ lại mời nhiều thành phần đến xem, trong đó có cả những người thuộc diện theo dõi đặc biệt, và những người này có những phát biểu gây bất lợi cho Việt Nam. Khi nắm được sự việc, Sở Ngoại vụ và Công an thành phố đã tiến hành điều tra và biết được họ không xin phép tổ chức hoạt động này. Vì thế, xin hỏi chế tài xử lý đối với cơ quan ngoại giao khi phổ biến phim chưa được cấp phép như thế nào?”.
Về vấn đề này, ông Đỗ Quốc Việt cho biết: “Cục cũng đã phối hợp với Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Ban Tuyên giáo Trung ương và một số cơ quan khác để thẩm định, phân loại phim của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam. Đây là vấn đề khá nhạy cảm và phức tạp”. Theo ông Việt, Điều 9 Luật Điện ảnh 2022 đã ghi rõ những nội dung làm tổn hại đến lợi ích quốc gia, Cục Điện ảnh sẽ kiến nghị xử lý theo đúng chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền. “Chưa bao giờ phim quốc tế không được phổ biến tại Việt Nam lại nhiều đến mức như vậy. Điều này trong báo cáo tổng kết Bộ VHTTDL cũng đã nêu rất cụ thể”, ông Đỗ Quốc Việt bày tỏ.
Nhiều nội dung quan trọng đã được đưa ra trao đổi, bàn thảo tại Hội nghị
Lãnh đạo Cục Điện ảnh cho biết, sắp tới sẽ tiếp tục rà soát chặt chẽ đối với những tổ chức đã có vi phạm. Hiện Cục đang xây dựng dự thảo kiểm tra theo xác suất với những tổ chức phổ biến phim trên không gian mạng đã từng vi phạm pháp luật Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở VHTT TP.HCM Nguyễn Thị Thanh Thúy phân tích thêm: “Trước hết chúng tôi khẳng định, Đảng và Nhà nước Việt Nam luôn tạo điều kiện để các cơ quan nước ngoài tại Việt Nam được hoạt động đúng quy định pháp luật và thuận lợi nhất. Các tổ chức nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn TP.HCM thời gian qua đã có những đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của TP. Hiện tượng như Sở Ngoại vụ vừa nêu, theo tôi chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, vì thế rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng, các Sở, ngành tham mưu cho UBND TP về việc quản lý nhà nước đối với hoạt động này tại các trụ sở ngoại giao”.
Bà Thúy nhấn mạnh, trong Luật Điện ảnh Điều 24 khẳng định việc phổ biến phim tại trụ sở ngoại giao, cơ sở văn hóa nước ngoài được thành lập tại Việt Nam cho đối tượng không phải là cán bộ, nhân viên của tổ chức đó, phải đảm bảo thực hiện theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Bên cạnh đó, quyền và nghĩa vụ liên quan của các tổ chức này cũng đã được quy định tại Điều 18 (Quyền và nghĩa vụ của cơ sở điện ảnh phổ biến phim), Điều 22 (Phổ biến phim tại địa điểm chiếu phim công cộng) và Điều 9 (Những nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh)... “Nội dung này chúng tôi cũng sẽ quan tâm hơn nữa trong thời gian tới, để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước theo chức năng nhiệm vụ, nhưng đồng thời cũng phải tạo điều kiện thuận lợi cho cơ sở ngoại giao được hoạt động thuận lợi, chất lượng và đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP”, Phó Giám đốc Sở VHTT bày tỏ.
“Vị” bị cấm phổ biến tại Việt Nam Ảnh: Một cảnh trong phim
Xây dựng thương hiệu mang bản sắc riêng của điện ảnh TP.HCM
Tại Hội nghị, đại diện các Sở, ngành, quận - huyện, trường đại học và doanh nghiệp cũng đã đặt nhiều câu hỏi, nêu ra những vướng mắc xung quanh việc thực hiện Luật Điện ảnh 05/2022/QH và Nghị định số 131/2022/NĐ-CP. Các thắc mắc tập trung vào vấn đề xin giấy phép nhập khẩu phim phát hành trên truyền hình, xin giấy phép bối cảnh khi hợp tác với đoàn phim nước ngoài, quản lý phổ biến phim trên không gian mạng, kế hoạch cụ thể cho quỹ phát triển điện ảnh dành cho nhà làm phim độc lập hoặc phim đầu tay… Các nội dung này đều được Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh giải đáp chi tiết.
Khi được hỏi về những phim độc lập gặp trở ngại khi phát hành tại Việt Nam, ông Việt cho biết: “Tôi khẳng định không có trở ngại nào hết nếu bạn đủ điều kiện và tuân thủ đúng quy định của pháp luật”. Phó Cục trưởng lấy ví dụ, có những phim vi phạm pháp luật tại Việt Nam nhưng lại được chào đón ở một số nước như trường hợp phim Vị. “Đó là những phim không thực hiện quy định của pháp luật Việt Nam ngay từ đầu, bởi chưa có giấy phép phổ biến đã mang ra nước ngoài”. TS Việt nói và cho biết, sắp tới theo luật sửa đổi, những phim như thế sẽ bị xếp loại C, tức là “không được phép phổ biến”. Về chuyện quản lý phổ biến phim trên không gian mạng, Phó Cục trưởng lưu ý, các đơn vị xuyên biên giới phổ biến phim trên mạng sẽ phải có đại diện liên lạc tại Việt Nam để làm việc với cơ quan chức năng khi có ý kiến phản hồi của người xem về nội dung phim.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Phó Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Thúy đã thông tin một số nội dung nhằm xúc tiến và quảng bá điện ảnh. Theo đó, được sự chấp thuận của Bộ VHTTDL, sắp tới đây, Sở VHTT sẽ phối hợp với Hội Điện ảnh TP.HCM, tổ chức LHP ngắn TP lần đầu tiên. Nội dung này sẽ là bước khởi động cho LHP quốc tế TP.HCM lần thứ nhất diễn ra vào năm 2024. “Hiện chúng tôi đã xây dựng đề án và trình các cơ quan chức năng, nếu không có gì thay đổi sẽ tổ chức họp báo vào tháng 5 này”, bà Thúy cho biết. Theo đó, LHP quốc tế TP.HCM sẽ là sự kiện văn hóa thường niên, trở thành thương hiệu mang bản sắc riêng và là điểm đến thường kỳ, qua đó phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của TP.
Bên cạnh công tác xúc tiến, quảng bá cho điện ảnh bằng các LHP, TP.HCM còn tăng cường các cơ chế, chính sách để tạo thuận lợi cho ngành điện ảnh phát triển. Theo đó, Sở đã tham mưu cho UBND TP về “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp văn hóa TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn 2035”. Nội dung này đã được TP phê duyệt, và trong chiến lược phát triển điện ảnh cũng có một đề án về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. “Cụ thể, chúng tôi đã tham mưu xây dựng phim trường hiện đại, rộng hàng trăm héc-ta tại huyện Củ Chi. Bên cạnh đó sẽ có đề xuất xây dựng bảo tàng điện ảnh, trung tâm chiếu phim kết hợp tổ chức các sự kiện văn hóa giải trí khác… Ngoài ra, Sở VHTT còn xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành Điện ảnh. Chúng tôi kỳ vọng đó sẽ là cơ sở pháp lý, cơ chế chính sách quan trọng để cho TP có cách nhìn thống nhất và bước đi nền tảng trong phát triển văn hóa - nghệ thuật nói chung, phát triển điện ảnh nói riêng”, bà Thanh Thúy nhấn mạnh.
Tôi khẳng định những phim độc lập không gặp trở ngại nào khi phát hành tại Việt Nam, nếu đủ điều kiện và tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Có những phim vi phạm pháp luật, không phù hợp thuần phong mỹ tục trong nước nhưng lại được chào đón, cổ súy ở môi trường khác như trường hợp phim “Vị”. Sắp tới, theo Luật sửa đổi, những phim như thế sẽ bị xếp loại C, tức là không được phép phổ biến. (TS. Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh) |
Theo Báo Văn hóa