Bà Seri Park, Phụ trách Chợ Dự án LHP quốc tế Busan chia sẻ kinh nghiệm thu hút đầu tư làm phim
Bà Seri Park, Phụ trách Chợ Dự án của LHP quốc tế Busan và Tổng Giám đốc BHD Ngô Thị Bích Hạnh cùng quan điểm rằng, nếu không chủ động tiếp thị và thể hiện sự chuyên nghiệp trong hồ sơ mời chào, đạo diễn sẽ rất khó bắt tay được với nhà đầu tư.
Gian nan hành trình hút vốn
Chia sẻ về những khó khăn trong quá trình thu hút kinh phí làm phim, đạo diễn Lê Bình Giang, người vừa tham gia Chợ Dự án LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI với dự án Ai đã tạo ra con người cho biết, trên thực tế, nhà đầu tư trong nước không mấy “mặn nồng” với những bộ phim nghệ thuật. “Để tăng cơ hội nhận được vốn, chúng tôi đành “mang chuông đi đánh xứ người”. Bản thân tôi cùng nhiều đạo diễn Việt Nam khác phải lặn lội đến LHP quốc tế Busan, Locarno hay châu Á - Thái Bình Dương..., tuy nhiên đây cũng không phải hành trình dễ dàng bởi sự cạnh tranh khốc liệt của cả trăm hồ sơ chất lượng đến từ nhiều nền điện ảnh trên thế giới. Có những trường hợp phải mất tới 5-7 năm, hoặc lâu hơn nữa mới có thể có tiền sản xuất phim”.
Cùng chung nỗi niềm, nhà sản xuất người Trung Quốc Wang Lutao, đạo diễn phim Be with you tham gia HANIFF VI cho hay, các nhà làm phim trẻ, nhà làm phim độc lập hiện đang có xu hướng đến Chợ Dự án của các LHP quốc tế để gọi vốn. Bởi lẽ, việc thu hút đầu tư trong nước không phải chuyện đơn giản. “Cũng giống với Việt Nam, thu hút dòng tiền để làm phim nghệ thuật không hề dễ dàng. Nhà nước, nhà đầu tư Trung Quốc thường chỉ quan tâm đến những bộ phim chính trị. Phim thiên về tính nghệ thuật, các giá trị xã hội, nhân văn thường phải ra nước ngoài mới có khả năng được “rót tiền”. Thế nhưng, khi ra đến Chợ Dự án ở nước ngoài, không chỉ tôi mà các nhà làm phim Việt Nam hay một số quốc gia trên thế giới đều gặp khó vì không rõ hồ sơ phải chuẩn bị như thế nào mới chuẩn. Cách tiếp thị ra sao để thể hiện sự vượt trội cũng là một bài toán khó, nhất là những người trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm”.
“Bi, đừng sợ!” của đạo diễn Phan Đăng Di từng phải vất vả tự đi tìm kiếm nguồn vốn sản xuất
Chủ động tiếp thị một cách chuyên nghiệp
Thấu hiểu với những nỗi lo của các đạo diễn khi đem dự án của mình đi chào tại Chợ Dự án quốc tế, bà Seri Park, Phụ trách Chợ Dự án LHP quốc tế Busan và bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD đã chia sẻ rất nhiều kinh nghiệm quý giá. Các chuyên gia đã nhiều lần nhắc lại việc đạo diễn muốn thu hút đầu tư, ngoài kịch bản chất lượng thì phải biết cách thể hiện qua hồ sơ chào mời. Nói cách khác, đạo diễn phải chủ động tiếp thị dự án của mình chuyên nghiệp, bài bản mới kéo được vốn về.
Bà Seri Park khẳng định, nhiều kịch bản phim Việt Nam dù rất chất lượng nhưng vẫn bị đánh trượt vì không biết cách chuẩn bị hồ sơ. “Rất nhiều nhà đầu tư quốc tế quan tâm đến dự án phim của đạo diễn Việt Nam. Thế nhưng, nhiều người lại không nắm bắt được cơ hội do thiếu thông tin, khả năng sử dụng ngoại ngữ còn hạn chế, trình bày kịch bản không đúng chuẩn… Khi thuyết trình xin đầu tư, đạo diễn Việt Nam phải cho thấy được sự chuyên nghiệp. Bản tóm tắt, phác thảo kịch bản; kế hoạch sử dụng kinh phí, lịch trình sản xuất… phải được thể hiện chi tiết qua hồ sơ. Vấn đề tài chính rất nhạy cảm nên muốn thu hút kinh phí làm phim, nhà sản xuất phải chứng minh được từng khoản đầu tư sẽ sử dụng cho mục đích gì và khi nào sử dụng”, Phụ trách Chợ Dự án LHP quốc tế Busan nêu.
Bà Seri Park thông tin thêm, trong quá trình “đàm phán” với nhà đầu tư, bí quyết để nhận được cái gật đầu là biết cách thuyết trình, chứng minh được tác phẩm của mình sẽ đem lại những giá trị tốt đẹp cho nhân loại. “Tôi biết các đạo diễn hiện nay đang lấy chất liệu văn hoá dân tộc làm đề tài cho phim của mình. Nhưng tôi cũng phải lưu ý, chất liệu có hay đến mấy nhưng nếu không biết cách thuyết trình để nêu bật các giá trị văn hoá thì kết quả vẫn sẽ “nằm im trên giấy”. Bởi lẽ, nhà đầu tư ngoài muốn giúp đỡ đạo diễn làm phim luôn kỳ vọng đồng vốn mình bỏ ra phải mang lại những giá trị tốt đẹp cho văn hoá - xã hội”, bà Seri Park chia sẻ.
Đồng quan điểm, bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc của BHD nhận định, trong làm phim, sự “cộng sinh” là vấn đề then chốt. Hiện đang xuất hiện thực trạng các nhà làm phim trẻ rất khó thu hút vốn đầu tư, nhất là vốn cho những bộ phim giàu tính thể nghiệm, nghệ thuật. “Tôi khuyên các đạo diễn trẻ hãy thay đổi tư duy, đừng nản lòng khi đến một Chợ Dự án nào đó mà phải về tay trắng. Mỗi lần thất bại, hãy trao đổi thẳng thắn với giới chuyên môn xem hồ sơ đang gặp vướng mắc ở đâu để giải quyết. Phải chuyên nghiệp trước rồi mới tính đến chuyện thu hút dòng tiền. Bên cạnh đó, các bạn hãy cố gắng kết nối với đạo diễn của nước sở tại để nhờ họ hướng dẫn cách chuẩn bị hồ sơ xin đầu tư tốt nhất. Chính họ là những người hiểu rõ tâm lý nhà đầu tư của quốc gia mà các bạn đang đi kêu gọi vốn”.
Cùng với đó, Tổng Giám đốc của BHD cho rằng, để “khai thông” tư duy cho đạo diễn trẻ trong hút vốn đầu tư, vấn đề quan trọng hiện nay là giáo dục và chia sẻ kinh nghiệm. “Các đạo diễn và chuyên gia giáo dục trong ngành điện ảnh hãy tạo điều kiện giúp thế hệ trẻ phát huy năng lực của mình. Nếu chúng ta cứ để đạo diễn trẻ tự loay hoay thì không biết bao lâu nữa các em mới tìm được ra cơ hội. Tôi rất khuyến khích những đạo diễn, chuyên gia có kinh nghiệm tổ chức những buổi nói chuyện, hội thảo… giúp các bạn trẻ có cơ hội học hỏi. Được “truyền lửa”, tôi tin các em sẽ tăng cường hiểu biết, đổi mới tư duy và dễ thu hút vốn đầu tư hơn. Thành công, các em sẽ yêu nghề hơn và chúng ta sẽ có được lứa kế cận tâm huyết với sự phát triển của điện ảnh Việt Nam”, bà Ngô Thị Bích Hạnh khẳng định.
Theo Báo Văn hóa