Tại sao nên đến Nha Trang làm phim?

14/09/2022
In trang
Nghệ thuật Điện ảnh góp phần quảng bá đất nước, con người Việt Nam và phát triển du lịch văn hóa

Cùng với sự phát triển của điện ảnh thế giới, Điện ảnh Việt Nam cũng đã đạt được những bước tiến đáng kể, đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng kinh tế, văn hóa, giáo dục của đất nước. Đặc biệt trong lĩnh vực quảng bá hình ảnh, điện ảnh Việt Nam luôn đóng vai trò hàng đầu trong việc giới thiệu đất nước, con người Việt Nam ra thế giới.

Phó Cục trưởng Nguyễn Thị Thu Hà trình bày tham luận tại Hội thảo "Khánh Hòa - Điểm kết nối lý tưởng của Điện ảnh và Du lịch

Tại các chương trình giới thiệu Điện ảnh Việt Nam trong nước và nước ngoài, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã luôn quan tâm tổ chức các hoạt động triển lãm, giới thiệu các địa danh nổi tiếng của Việt Nam - địa danh cho những bối cảnh quay cho các bộ phim quốc tế, kêu gọi các nhà làm phim, các nhà đầu tư điện ảnh nước ngoài tiếp tục lựa chọn Việt Nam là địa điểm quay phim lý tưởng cho các tác phẩm điện ảnh của mình. Như vậy, có thể khẳng định điện ảnh có vai trò và sự đóng góp quan trọng đối với sự phát triển của ngành du lịch Việt Nam.

Về quảng bá điện ảnh, thúc đẩy phát triển du lịch: Điện ảnh đóng vai trò hàng đầu trong công tác truyền thông quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam bởi tính sống động, chân thực, cùng những cảm xúc lắng đọng, thăng hoa theo các câu chuyện phim đã tạo nên ấn tượng mạnh mẽ trong lòng khán giả, thôi thúc khán giả ý muốn tận hưởng, trải nghiệm lại những cảm xúc trong các bộ phim. Năm 2015, bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh công chiếu đã đánh dấu sự hợp tác có tính bước ngoặt giữa cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp điện ảnh tư nhân, tạo tiền đề mở rộng đối tượng tham gia sản xuất phim do nhà nước đặt hàng với kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước. Bộ phim đã đoạt Giải thưởng Bông Sen

Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XIX (2015), Giải thưởng Cánh Diều Bạc cùng năm; đồng thời đạt doanh thu 80 tỷ đồng, lập doanh thu kỷ lục cho phòng vé tại Việt Nam vào thời điểm phát hành. Sau khi bộ phim Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh tạo ra được “cơn sốt” phòng vé thì vùng đất Phú Yên, nơi được chọn làm bối cảnh của phim cũng đã trở thành một điểm đến của nhiều du khách, làm tăng vọt lượng du khách đến Phú Yên (tăng 30% so với năm 2014).

Trước đó, vùng đất Hà Giang trong bộ phim Chuyện của  Pao - Giải thưởng Bông Sen Bạc tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XV (2007) với những hình ảnh núi non hùng vĩ, sông nước thơ mộng, con người nồng hậu, ấm áp, đã trở thành điểm đến không thể thiếu đối với du khách nước ngoài. Bản Sủng Là, huyện Đồng Văn cũng đã trở thành một điểm tham quan cho du khách khi đến với Hà Giang.

Gần đây, chùm phim Việt Nam chọn Cố đô Huế làm bối cảnh chính đã tạo nên thành công về nghệ thuật, doanh thu phòng vé, thu hút khán giả đến với Huế. Bộ phim Mắt biếc - Giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII (2021) và đặc biệt đã được UBND tỉnh Thừa Thiên Huế trao tặng Giải thưởng cho bộ phim xuất sắc có bối cảnh quay tại Thừa Thiên Huế. Ngoài việc tạo ra doanh thu kỷ lục phòng vé dịp cuối năm 2019 đầu năm 2020 ước tính đạt 172 tỷ đồng, Mắt biếc còn thúc đẩy việc phát triển du lịch ở Huế. Nhiều bối cảnh trong bộ phim đã trở thành những điểm thu hút nhiều người tham quan, lượng du khách đổ về thôn Hà Cảng, xã Quảng Phú ngày càng đông, đặc biệt là khách du lịch nội địa.

Bộ phim Mỹ: Kong: Đảo đầu lâu (Kong Skull Island, 2017), được thực hiện khoảng 70% các cảnh quay tại các tỉnh: Quảng Bình, Quảng Ninh và Ninh Bình với kinh phí sản xuất 185 triệu đô la, kinh phí quảng bá 136 triệu đô la với phần lớn thời lượng phim giới thiệu về cảnh đẹp thiên nhiên của Việt Nam. Sau khi bộ phim được khởi chiếu trên thế giới, phim trường ở Ninh Bình đã trở thành điểm du lịch thu hút hàng trăm nghìn khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan.

Các điểm quay phim của nhiều tác phẩm điện ảnh sau khi kết thúc đã trở thành những điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến để trải nghiệm, tìm lại cảm xúc thăng hoa trong phim. Theo đó, Việt Nam là điểm đến lý tưởng cho các nhà sản xuất phim quốc tế, mở ra cơ hội việc làm, thu hút các loại hình dịch vụ lưu trú, lữ hành, phương tiện vận chuyển… Việc phát triển sản phẩm du lịch thông qua các sản phẩm điện ảnh đã có những thực tiễn hiệu quả, sinh động minh chứng sự đóng góp quan trọng trong việc quảng bá đất nước, con người Việt Nam, sự phát triển của du lịch Việt Nam.

Việt Nam - điểm đến của những bộ phim nổi tiếng với những bối cảnh quay phim đặc sắc

Thực tế đã chứng minh sự quảng bá một địa danh thông qua điện ảnh luôn đem lại hiệu quả bất ngờ và mạnh mẽ. Từ cách đây hàng thập kỷ, đã có nhiều bộ phim nước ngoài được quay tại Việt Nam gây sửng sốt với khán giả trên thế giới, bởi hình ảnh đất nước con người Việt Nam được thể hiện tuyệt đẹp qua các tác phẩm điện ảnh một thời vang danh như phim: Người tình (L’Amant, 1991), Đông Dương (Indochine, 1992) của điện ảnh Pháp - bộ phim đã nhận Giải thưởng dành cho phim nói tiếng nước ngoài hay nhất tại Lễ trao giải Oscar năm 1993; phim Người Mỹ trầm lặng (The Quiet American, 2002)… Sau khi những bộ phim này được công chiếu trên thế giới thì những địa danh của Việt Nam được chọn làm bối cảnh trong phim đã thu hút được rất nhiều du khách từ khắp nơi tới tham quan đặc biệt là vịnh Hạ Long - tỉnh Quảng Ninh; ngay trước thời điểm Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton tuyên bố bãi bỏ hoàn toàn cấm vận Việt Nam vào năm 1994 và bình thường hóa quan hệ ngoại giao với Việt Nam năm 1995. Cùng với lý do đó, sau khi bộ phim Kong: Đảo đầu lâu - một bộ phim “bom tấn” của điện ảnh Hollywood có bối cảnh chính tại Việt Nam - ra mắt khán giả trên thế giới, một loạt địa điểm đã từng là bối cảnh của phim đã trở thành phim trường cho những tác phẩm điện ảnh khác đồng thời trở thành những điểm đến của hàng loạt tour du lịch mới thu hút khách trong và ngoài nước đến với quần thể di sản thế giới Tràng An (Ninh Bình) cùng 5 danh lam thắng cảnh thuộc 3 tỉnh phía Bắc Việt Nam được ghi hình để làm phim là: Tràng AnVân LongTam Cốc (Ninh Bình); vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) và Phong Nha (Quảng Bình)  tạo nên một cơn sốt du khách đi thăm các bối cảnh trong phim tại các danh thắng trên.

Điều này nói lên khi một tác phẩm điện ảnh nổi tiếng ngoài giá trị nghệ thuật, nó còn được gắn kết với địa điểm đã được vào phim của một vùng miền, một địa chỉ để trở thành địa danh của điện ảnh và du lịch.

Trên thế giới đã xuất hiện nhiều điểm du lịch sau khi trở thành nơi được chọn để quay phim, theo đó, bối cảnh của phim truyện đóng góp một phần quan trọng trong việc thể hiện qua hình ảnh, đem đến cho hàng triệu khán giả khắp nơi trên thế giới biết được các đặc điểm vùng miền và nền văn hóa khác nhau, tạo ra sự thích thú cho người xem, và họ sẽ mong muốn được đến vùng đất đó. Một bộ phim ra đời có thể được phát hành một lúc ở nhiều nước khác nhau, nên luôn có số lượng khán giả đông đảo. Đó là thế mạnh của điện ảnh so với các ngành nghệ thuật khác.  

Đất nước Việt Nam trải dài từ Bắc chí Nam, có nhiều vùng miền và các nền văn hóa truyền thống lâu đời, được thiên nhiên ưu đãi với nhiều danh lam thắng cảnh phong phú và đa dạng. Có nơi được xếp hạng kỳ quan thế giới hoặc các bãi biển được đánh giá đẹp hàng đầu, với khí hậu mưa thuận, gió hòa, cũng là những yếu tố vô cùng thuận lợi để các nhà làm phim chọn làm bối cảnh, khai thác hết thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên để quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam thông qua điện ảnh trong nước và quốc tế.

Nha Trang - miền thùy dương vang bóng một thời

Thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa mang trong mình những nét đẹp  đặc trưng của Việt Nam, một đất nước trải dài bên bờ Biển Đông. Nha Trang hội tụ đầy đủ những yếu tố làm nên những bối cảnh điện ảnh với thiên nhiên thuần khiết xanh thắm màu trời, biển xa, cát trắng; thành phố nhỏ xinh xắn nhưng lại có bề dày lịch sử, văn hóa với các đặc trưng kiến trúc đô thị của nhiều thời kỳ, vùng miền hội tụ. Và hơn hết con người Nha Trang tuy nhỏ nhẹ, kín đáo mà hiện đại, nồng hậu đã để lại những ấn tượng khó phai mờ trên những thước phim một thời vang danh của Điện ảnh Việt Nam.     

Ngay sau ngày đất nước thống nhất, Nha Trang đã luôn là điểm đến lý tưởng cho các nhà làm phim. Bộ phim Tự thú trước bình minh (1979) của  Đạo diễn, NSND Phạm Kỳ Nam là bộ phim đầu tiên được quay hầu như toàn bộ tại Nha Trang với các ngôi sao màn bạc Thế Anh, Lê Vân, Trần Tiến… Câu chuyện phim tràn đầy cảm xúc trên nền bối cảnh là thành phố Nha Trang tuyệt đẹp đầy chất thơ, miền thùy dương một thời trong lòng lãng khách.

Bộ phim Về nơi gió cát (1981) của Đạo diễn, NSND Huy Thành, Giải thưởng Bông Sen Vàng tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VI (1983) khán giả thật khó quên hình ảnh nghệ sĩ Hương Xuân, Trần Vịnh trên những trảng cát trắng phau miền Cam Ranh.

Bộ phim Bãi biển đời người (1983) của Đạo diễn, NSND Hải Ninh đem đến một màu sắc điện ảnh hiện đại, thực tế. Một lần nữa, khán giả sẽ luôn nhớ nghệ sĩ gạo cội Lâm Tới và tài năng xuất sắc Phương Thanh. Bối cảnh bãi biển Đại Lãnh hoang sơ, cảnh sắc Nha Trang trong phim thực sự là tư liệu hình ảnh quý giá. Và bản nhạc phim Quê hương với giai điệu mượt mà do Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sáng tác đã dẫn dắt cảm xúc khán giả trên không gian trời biển, mây và cát bao la, tình người thấm đẫm của Nha Trang;

“Quê hương trẻ mãi những tâm hồn thiêng liêng

Em đi qua đó không bao giờ buồn phiền

Xanh xanh cây lá biển hát chiều mưa.

Quê hương nằm thức bên bờ biển bao la,

Sau cơn chinh chiến núi non vẫn mượt mà,

Bay đi trong mưa nắng những câu chuyện thần tiên…

Bộ phim thiếu nhi nổi tiếng Sơn Ca trong thành phố, Bằng khen của Ban Giám khảo tại Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ VIII (1988) của Đạo diễn, NSND Trần Khánh Dư với các bối cảnh chùa Long Sơn, Biệt điện Bảo Đại, Tháp Bà, Hòn Chồng… Khán giả đã rất thích thú khi thấy những di tích, danh thắng Nha Trang, Khánh Hòa vào phim rất đẹp cùng với các em thiếu niên Nha Trang cùng được tham gia đóng phim về chính tuổi học sinh của mình ngay trên thành phố quê hương.

Bộ phim Phương án ba bông hồng (1981) của Đạo diễn Văn Hòa cũng để lại những tư liệu quý giá về Nha Trang với những bối cảnh chợ Đầm, đường Lê Hồng Phong, Trần Phú, ngã ba Mả Vòng với trạm xăng vẫn nguyên dây kẽm gai và đặc biệt là các đường phố Nha Trang tràn ngập cát, cây xương rồng, bờ lá tigon đẹp lãng mạn mà hoang sơ…

Nha Trang đã là mảnh đất luôn được các nhà làm phim ưu ái dành tình cảm, tâm huyết trong sáng tạo; đã lưu lại những thước phim vô giá, trong đó lưu dấu hình ảnh còn mãi với thời gian về vẻ đẹp của đất, trời, biển, cát và con người. Vịnh biển Nha Trang là một trong những vịnh biển đẹp nhất thế giới, là món quà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất này. Biển Nha Trang đã tạo nên biết bao những thước phim đẹp ghi đấu trong lòng nhiều thế hệ khán giả yêu phim, yêu Nha Trang - thành phố miền duyên hải từ những thập kỷ 80 - 90 của thế kỷ XX

Trở lại với miền thùy dương quyến rũ

Thành phố biển Nha Trang nay đã không còn ngập cát bay trên phố, đã hiếm rồi bờ cây xương rồng, đã thêm nhiều những resort quyến rũ. Nha Trang đã trở lại màn ảnh với Đẹp từng centimet (2009) Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng, Những nụ hôn rực rỡ (2010) Đạo diễn Quang Dũng, Mỹ nhân kế (2013) cùng Đạo diễn Quang Dũng, Chàng trai năm ấy (2014) Đạo diễn Quang Huy … Những bộ phim hiện đại, thời thượng của những thế hệ làm phim trẻ trung. đầy tài năng. Họ đã đem lại một Nha Trang khác biệt. Vẫn mơ mộng, vẫn trời biển rộng mở bao la, nhưng Nha Trang đã thu hút với nhiều thay đổi ấn tượng.

Những khu nghỉ dưỡng với không gian sang trọng, biệt lập, cảnh quan nên thơ bên bãi biển xanh trong của vịnh Cam Ranh đã trở thành những bối cảnh triệu view cho những bộ phim đình đám cùng dàn sao trẻ nóng bỏng, thu hút lượng khán giả trẻ hâm mộ đông đảo.

Khu nghỉ dưỡng Amiana Resort Nha Trang trong phim Chàng trai năm ấy hiện lên như một thiên đường. Đạo diễn Quang Huy đã lựa chọn những khuôn hình đẹp nhất cho bộ phim, do vậy sau khi xem xong phim, nhiều khán giả tò mò muốn biết địa điểm quay nằm ở đâu và tìm đên Amiana Resort Nha Trang nằm không xa trung tâm thành phố Nha Trang.

Những bộ phim chất lượng cùng dàn diễn viên trẻ đẹp, có lượng fan hâm mộ đông đảo đã góp phần quảng bá hiệu quả một Nha Trang mới của thế kỷ XXI, cùng nhau tạo nên một môi trường văn hóa điện ảnh hấp dẫn và cuốn hút.

Có một điều trùng lặp thú vị đã kết nối những bộ phim Việt từ những năm 80 của thế kỷ trước đến những bộ phim rực rỡ của kỷ nguyên số hôm nay là vẫn luôn đem lại cho khán giả những câu chuyện về đất và người Nha Trang lắng đọng mà hiện đại, tân kỳ, thời thượng, nóng bỏng, quyến rũ qua mọi thời gian. Hình ảnh những nghệ sĩ tài năng như Lê Vân, Phương Thanh, Bích Liên, Thanh Loan, Lâm Tới, Trần Quang … từng gây sốt màn bạc thập niên 80 thế kỷ trước; thì màn ảnh kỷ nguyên số hôm nay với Tăng Thanh Hà, Thanh Hằng, Diễm My 9X, Sơn Tùng MTP… cũng chưa bao giờ hạ nhiệt. Nha Trang trong các tác phẩm điện ảnh luôn cho người xem thấy nhịp sống sôi động không ngừng, luôn đi cùng thời đại.

Hãy đến Nha Trang để làm phim

Điện ảnh đóng vai trò quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa, nhận thức được tầm quan trọng của điện ảnh trong việc quảng bá hình ảnh đất nước cũng như những lợi ích về kinh tế của công nghiệp điện ảnh đem lại để có những chính sách, đầu tư phù hợp để thực hiện chiến lược phát triển điện ảnh quốc gia.

Cần phải thúc đẩy sự phát triển của điện ảnh trong nước với những tác phẩm có giá trị nghệ thuật thì đó mới thực sự là một kênh quảng bá thường xuyên và quan trọng cho hình ảnh đất nước và con người Việt Nam tới bạn bè quốc tế,  nhằm gia tăng các giá trị văn hóa Việt trong bối cảnh quay phim ở Việt Nam phải là sự am hiểu và trân trọng những giá trị văn hóa truyền thống ngay từ những trang kịch bản của biên kịch, đạo diễn, sự cộng hưởng gắn kết của mọi thành phần chuyên môn trong đoàn làm phim trong đó có đóng góp quan trọng của bối cảnh quay phim đặc sắc, trong đó Nha Trang - Khánh Hòa sẽ luôn là lựa chọn hàng đầu của các nhà làm phim, mà việc Giải thưởng Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam chọn nơi đây để bay cao cùng những tác phẩm điện ảnh có giá trị nội dung và nghệ thuật là một minh chứng rõ nét, sống động và thuyết phục

Đối với các đoàn làm phim nước ngoài vào làm phim tại Việt Nam, hầu hết từ các nước có nền điện ảnh tiên tiến, trình độ làm phim, tiềm lực kinh tế và trang thiết bị kỹ thuật chuyên nghiệp; họ dành thời gian tìm và chọn cảnh cũng như đầu tư cho bối cảnh với sự chuẩn bị chỉn chu và kỹ lưỡng. Đây là phần mở đầu quan trọng của giai đoạn chuẩn bị cho một bộ phim đi vào sản xuất, do vậy việc lựa chọn cảnh quay cho một bộ phim đòi hỏi sự sáng tạo và hiểu biết về cảnh quan, địa lý của Việt Nam để có thể khai thác triệt để được những phong cảnh đẹp và tôn vinh văn hóa truyền thống dân tộc nhưng cũng rất cần sự giới thiệu, quảng bá, kết nối của địa phương có bối cảnh giá trị, tiềm năng lớn như Nha Trang, Khánh Hòa với các nhà hoạt động điện ảnh trong nước và nước ngoài.

Những hoạt động xúc tiến, quảng bá, liên kết đất và người không chỉ thu hút khách du lịch, Điện ảnh Việt Nam đã quảng bá hình ảnh đất nước thông qua nhiều bộ phim được trình chiếu tại các Liên hoan Phim quốc gia và quốc tế cùng với những giải thưởng xuất sắc mà các bộ phim đã đem về.

Việt Nam, đất nước với cảnh quan tươi đẹp, văn hóa đa dạng và lịch sử có vị trí đặc biệt trong lịch sử thế giới là những điểm thu hút các nhà làm phim nước ngoài. Trước đây, đã có những bộ phim nước ngoài được quay tại Việt Nam và gây tiếng vang trên thế giới như: Đông Dương, Điện Biên Phủ, Người tình, Người Mỹ trầm lặng… Gần đây nhất vào năm 2017, bộ phim Kong: Đảo đầu lâu đã thực hiện khoảng 70% các cảnh quay ở Việt Nam và trở thành bộ phim bom tấn của Hollywood với kinh phí sản xuất và quảng bá lên đến 321 triệu đô-la Mỹ.

Do vậy, Nha Trang, Khánh Hòa với những phim trường thiên nhiên độc đáo riêng có, với những con người năng động có trí thức, yêu quê hương đất nước chắc chắn sẽ tạo nên một sức hút mới, một điểm tựa vững chắc cho những tác phẩm điện ảnh lớn trong tương lai. Và ngày mai bắt đầu từ hôm nay./.

TS. NSƯT Nguyễn Thị Thu Hà

Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan