Phim điện ảnh đặt hàng Hồng Hà nữ sĩ - Đoàn Thị Điểm: Lấy xưa để nói chuyện nay

10/04/2023
In trang
Hồng Hà nữ sĩ - Đoàn Thị Điểm là một trong ba phim truyện điện ảnh được Cục Điện ảnh (Bộ VHTTDL) đặt hàng sản xuất trong 2 năm 2022-2023, đến nay đã đi gần xong chặng đường ghi hình. Đề tài kén khách lại phải co kéo tính toán trong vô số khó khăn, nhưng ê kíp thực hiện bộ phim khẳng định, đây sẽ là tác phẩm chạm đến chiều sâu cảm xúc của những người yêu điện ảnh.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành và ê kíp “Hồng Hà nữ sĩ” tại bối cảnh quay ở xã Tự Tân, huyện Vũ Thư (Thái Bình)

Phim chuyển tải thông điệp nhân văn về những giá trị đạo đức chuẩn mực của người Việt, thông qua tái hiện cuộc đời thăng trầm của Danh nhân văn hóa, thi sĩ Đoàn Thị Điểm trong bối cảnh xã hội Việt Nam từ 300 năm trước.

“Mối tình lãng mạn - Tri âm tri kỷ trong văn chương…”

Có mặt tại bối cảnh quay phim (xã Tự Tân, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình), Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành ghi nhận nỗ lực của đoàn phim để thực hiện những cảnh quay đúng tiến độ, đảm bảo nội dung và chất lượng nghệ thuật. “Kịch bản mang nội dung tư tưởng tốt, giàu tính nhân văn và có giá trị lịch sử, văn học. Cuộc đời thăng trầm của danh nhân văn hóa, thi sĩ Đoàn Thị Điểm trong bối cảnh xã hội Việt Nam ở cuối thế kỷ XVIII được thể hiện sinh động, khẳng định những đóng góp của bà cho nền văn học Việt Nam. Với một ê kíp chuyên nghiệp, tâm huyết, hy vọng Hồng Hà nữ sĩ - Đoàn Thị Điểm sẽ là một tác phẩm điện ảnh chạm đến cảm xúc của người xem…”, Cục trưởng Vi Kiến Thành chia sẻ.

Khai thác về những sự kiện có thật trong cuộc đời cũng như hoạt động văn thơ của thi sĩ Đoàn Thị Điểm, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát với vai trò tác giả kịch bản, Giám đốc sản xuất cho biết, Hồng Hà nữ sĩ - Đoàn Thị Điểm sẽ chuyển tải những thông điệp sống mãi với thời gian. “Lấy chuyện xưa để nói chuyện nay, điều này đặc biệt ý nghĩa trong bối cảnh đạo đức xã hội đang có nhiều báo động, vai trò chấn hưng văn hoá ngày càng cấp thiết. Giữa trào lưu chỉ sống cho mình, đưa cái tôi lên cao… thì lòng hiếu thảo, đức hy sinh, gạt bỏ niềm riêng vì người khác được khắc họa qua hình ảnh nữ sĩ Đoàn Thị Điểm sẽ mang đến cho thế hệ hôm nay không ít suy tư. Phim còn khắc họa những khoảnh khắc lao động sáng tạo của bà, không chỉ khi ngồi dịch Chinh phụ ngâm từ bản chữ Hán của Đặng Trần Côn ra bản chữ Nôm rất tuyệt vời…”, nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát nói.

Chuyện phim bắt đầu từ khi Đoàn Thị Điểm làm con nuôi Thượng thư Lê Anh Tuấn, gặp Đặng Trần Côn cho đến khi gia đình gặp biến cố lớn, bà phải trở về quê dạy học, bốc thuốc, viết văn nuôi dạy các cháu, rồi lấy Tiến sĩ Nguyễn Kiều, thay chồng nuôi dạy con riêng của chồng, chờ đợi ông đi sứ trở về; sau đó bà mất ở tuổi 43 khi trên đường theo chồng vào làm Tổng trấn Nghệ An.

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát tặng hoa chúc mừng các Nsnd Lê Khanh,  Trung Anh hoàn thành vai diễn

“Đoàn Thị Điểm là người con gái Hưng Yên. Tôi cũng là người Hưng Yên nên từ lâu, tôi đã ấp ủ ý tưởng về kịch bản phim này. Thật may mắn khi kịch bản đã được Hội đồng Trung ương thẩm định và tuyển chọn đưa vào sản xuất. Tham gia dự án là những nghệ sĩ chuyên nghiệp, có trình độ đến từ Hãng phim truyện Việt Nam. Chúng tôi tâm niệm phải thực hiện được một bộ phim điện ảnh giá trị, khẳng định sự đúng đắn khi Hồng Hà nữ sĩ được Nhà nước đặt hàng…”, nhà biên kịch Hồng Ngát bộc bạch.

Điều cuốn hút ở Hồng Hà nữ sĩ là phẩm chất văn chương tiềm ẩn trong con người Đoàn Thị Điểm. “Mối tình” thơ văn lãng mạn giữa bà và Đặng Trần Côn được chú trọng khai thác, thể hiện sự đồng cảm giữa người viết thơ và người dịch thơ Chinh phụ ngâm. Những câu thơ thể hiện thân phận người phụ nữ gắn với những dấu mốc, bước ngoặt cuộc đời Đoàn Thị Điểm được lồng ghép, tạo nên điểm lắng xúc cảm. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt chia sẻ, dự án phim khiến anh háo hức khi nhận kịch bản, nhưng sau đó lại là nhiều lo lắng. “Khao khát của tôi và cả ê kíp là qua từng cảnh quay sẽ góp phần tôn vinh giá trị của bản dịch Chinh phụ ngâm cũng như giá trị chữ Nôm trong dòng chảy của văn học Việt Nam. Cuộc đời Đoàn Thị Điểm và những tác phẩm thơ văn của bà cho thấy dòng chảy văn hóa Việt luôn liền mạch và không bị đứt gẫy…”, NSƯT Nguyễn Đức Việt tâm sự.

Cục Điện ảnh thăm và kiểm tra tiến độ làm phim

Nữ diễn viên Anh Đào đảm nhận vai Đoàn Thị Điểm bộc bạch: “Vai diễn đến với tôi như một cái duyên, tôi thấy mình vừa may mắn, vừa… liều quá. Từng tham gia nhiều vai trên sân khấu, phim truyền hình, nhưng Hồng Hà nữ sĩ là vai diễn điện ảnh đầu tiên của tôi. Tôi đã khóc khi lần đầu tiên đọc kịch bản. Một cuộc đời quá nhiều thăng trầm mà nếu vai diễn lột tả thành công, về tài năng, sáng tạo, những tâm tư và đặc biệt là tư tưởng của danh nhân Đoàn Thị Điểm, chắc chắn sẽ khiến người xem rất yêu thích. Tôi đã tâm niệm điều đó và cố gắng hết sức trong từng cảnh quay…”, Anh Đào chia sẻ.

"Kịch bản mang nội dung tư tưởng tốt, giàu tính nhân văn và có giá trị lịch sử, văn học. Cuộc đời thăng trầm của danh nhân văn hóa, thi sĩ Đoàn Thị Điểm trong bối cảnh xã hội Việt Nam ở cuối thế kỷ XVIII được thể hiện sinh động, khẳng định những đóng góp của bà cho nền văn học Việt Nam. Với một ê kíp chuyên nghiệp, tâm huyết, hy vọng Hồng Hà nữ sĩ - Đoàn Thị Điểm sẽ là một tác phẩm điện ảnh chạm đến cảm xúc của người xem…", Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành chia sẻ.

Chạm vào chiều sâu cảm xúc

Nhà biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát và đạo diễn, NSUT Nguyễn Đức Việt

Bối cảnh phim dựng tại nhiều nơi như Bắc Ninh, Hưng Yên và xã Tự Tân (Thái Bình), là kết quả của quá trình tìm kiếm, khảo sát trên cả nước. Nhà biên kịch Hồng Ngát cho biết thêm, việc tìm kiếm không gian phù hợp để tạo dựng bối cảnh xưa rất khó. Trước đó, đoàn phim đã dựng các bối cảnh nhà quan Thượng thư Lê Anh Tuấn tại Bắc Ninh, bối cảnh nhà Đặng Trần Côn tại Đường Lâm (Sơn Tây, Hà Nội). Sau khi kết thúc những cảnh quay tại Vũ Thư, Thái Bình, ê kíp sẽ thực hiện đại cảnh kinh thành Thăng Long xưa tại bối cảnh được dựng ở Thiên Đường Bảo Sơn. “Tất cả những yếu tố đều được chăm chút tỉ mỉ để đảm bảo tính chân thực, chuẩn xác về một giai đoạn lịch sử cách chúng ta đã 3 thế kỷ…”, bà Ngát chia sẻ.

Với sự công phu và tâm huyết đó, ê kíp phim Hồng Hà nữ sĩ tự tin rằng đây sẽ là tác phẩm chạm đến chiều sâu cảm xúc của người xem. “Tầm vóc của Đoàn Thị Điểm không chỉ là một nhà thơ, văn nổi tiếng mà bà còn là người đặc biệt quan tâm đến thế sự. 10 điều răn được bà viết từ thế kỷ XVIII đến nay vẫn nguyên giá trị, răn dạy những người làm vua, làm quan phải giữ gìn liêm khiết. Ngôn ngữ cổ nhưng nội dung mới, lấy chuyện xưa để nói chuyện nay, điều này đặc biệt ý nghĩa trước thực trạng đạo đức ngày càng xuống cấp…”, bà Ngát nhấn mạnh.

Biên kịch Nguyễn Thị Hồng Ngát (ngồi giữa) và diễn viên Anh Đào (vai Đoàn Thị Điểm), Quốc Toàn (vai Đặng Trần Côn) cùng ê kíp làm phim

Quá trình casting nhân vật cũng mất gần 2 năm, đặc biệt với vai nữ chính. Đạo diễn, NSƯT Nguyễn Đức Việt cho biết, vai diễn Đoàn Thị Điểm khá nặng so với tuổi đời, tuổi nghề của diễn viên trẻ như Anh Đào. Thế nhưng, Anh Đào đã thể hiện tròn vai và ngày càng tốt hơn, nhiều cảm xúc hơn trong từng cảnh quay của mình. “Tôi hài lòng khi những diễn viên trẻ đã rất nỗ lực để sống cùng nhân vật, cho dù bối cảnh thế kỷ XVIII đã lùi rất xa thời đại hôm nay. Với vai diễn Đoàn Thị Điểm, nữ chính không chỉ cần thể hiện tốt nội tâm nhân vật mà còn phải học, luyện viết chữ Nôm mỗi ngày…”, đạo diễn Nguyễn Đức Việt nói.

Đã lâu mới “bắt tay” thực hiện một bộ phim Nhà nước đặt hàng, NSƯT, đạo diễn Nguyễn Đức Việt chia sẻ, ngoài những khó khăn về nguồn sử liệu hiếm hoi, về thời tiết mưa gió, bản thân anh và ê kíp cũng phải đối diện với những áp lực về tư tưởng làm “phim Nhà nước”. “Đây không phải là đề tài ăn khách, rất khó làm, nhưng chúng tôi vẫn nói với nhau rằng phải cố gắng hết sức tạo nên một sản phẩm mang tính nhân văn, giáo dục và giá trị nghệ thuật cao, để khán giả cảm thấy xứng đáng khi xem…”, đạo diễn Nguyễn Đức Việt tâm sự.

Nữ diễn viên Anh Đào cũng chia sẻ: “Để thực hiện tốt nhất vai diễn của mình, mỗi ngày tôi đều dành thời gian để học viết chữ Nôm và luyện tập sao cho lời ăn tiếng nói, ánh mắt nụ cười, cử chỉ đi đứng… đều phải lột tả được thần thái, hồn cốt của người xưa. Sâu xa nhất trong vai diễn bà Đoàn Thị Điểm một tư tưởng mang tầm vóc cao cả; để có thể tròn vai, tôi đã ăn ngủ, sống cùng nhân vật…”.

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành nhấn mạnh, mong rằng Hồng Hà nữ sĩ sẽ là một tác phẩm chất lượng của dòng phim Nhà nước góp mặt tại LHP Việt Nam lần thứ 23 sẽ diễn ra vào cuối năm nay.

 Tầm vóc của Đoàn Thị Điểm không chỉ là một nhà thơ, văn nổi tiếng mà bà còn là người đặc biệt quan tâm đến thế sự. 10 điều răn được bà viết từ thế kỷ XVIII đến nay vẫn nguyên giá trị, răn dạy những người làm vua, làm quan phải giữ gìn liêm khiết. Ngôn ngữ cổ nhưng nội dung mới, lấy chuyện xưa để nói ngày nay, điều này đặc biệt ý nghĩa trước thực trạng đạo đức ngày càng xuống cấp… (Nhà biên kịch NGUYỄN THỊ HỒNG NGÁT).

Theo Báo Văn hóa

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan