Họp báo Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI

10/11/2022
In trang
Chiều 7/11 tại Hà Nội, Bộ VHTTDL và UBND TP. Hà Nội đã phối hợp tổ chức Họp báo Khai mạc Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông chủ trì họp báo.

Phát biểu tại buổi họp báo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông cho biết, LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI diễn ra từ ngày 8-12/11/2022 với khẩu hiệu "Điện ảnh - Nhân văn, Thích ứng và Phát triển". Liên hoan nhằm tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có giá trị nghệ thuật cao, giàu tính nhân văn, có dấu ấn sáng tạo nổi bật, độc đáo; phát hiện và vinh danh những tài năng mới của điện ảnh; giới thiệu các tác phẩm đặc sắc của các nền điện ảnh trên thế giới và tạo cơ hội mở rộng thị trường điện ảnh Việt Nam. LHP nhằm thu hút sự quan tâm của khán giả thủ đô Hà Nội và đại biểu quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh Hà Nội, đất nước Việt Nam tươi đẹp, mến khách, giàu truyền thống văn hóa.

Từ hàng trăm bộ phim đăng ký tham dự, LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI đã tuyển chọn được 123 bộ phim từ 56 quốc gia và vùng lãnh thổ. BTC đã lập Hội đồng Chung tuyển để tuyển chọn phim tham dự các chương trình của LHP. Đây là những bộ phim có chất lượng, đa sắc màu, hứa hẹn sẽ thu hút và hấp dẫn khán giả trong suốt những ngày diễn ra LHP.

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu chào mừng các giám khảo, các nghệ sĩ, khách mời tham dự HANIFF VI 

"Các rạp chiếu đã sẵn sàng đón chào và phục vụ khán giả một cách hiệu quả nhất. Hôm nay, chúng ta cảm nhận sức nóng dần lên của không khí LHP đã trở lại Hà Nội sau một thời gian chịu ảnh hưởng của Covid-19. BTC chào đón các giám khảo, các nghệ sĩ, khách mời tham dự HANIFF VI và mong sẽ có một giải thưởng chất lượng, tạo dấu ấn cho HANIFF VI", Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.

Phát biểu tại họp báo, ông Phạm Xuân Tài, Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết: UBND TP Hà Nội rất vinh dự được phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Hà Nội nhận thức ý nghĩa quan trọng của LHP và đã phân công các sở ngành của TP chịu trách nhiệm tổ chức LHP đảm bảo an ninh, an toàn.

"Hà Nội đã phân công các đơn vị phối hợp với Bộ VHTTDL tổ chức chuỗi hoạt động liên quan. Đến thời điểm hiện nay, đã sẵn sàng các điều kiện cơ sở vật chất, an ninh an toàn cho LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Sở VHTT được phân công tổ chức các hoạt động chuyên môn: Tổ chức tuyên truyền ngoài trời, các cụm rạp, đón khách tham quan các di tích, danh thắng của Hà Nội, giao lưu các ngôi sao điện ảnh. Hà Nội kỳ vọng, các đại biểu sẽ có ấn tượng về một thành phố hòa bình, mến khách, xinh đẹp", ông Phạm Xuân Tài nói.

Phó Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Phạm Xuân Tài phát biểu tại họp báo

Trong khuôn khổ HANIFF VI sẽ có 31 bộ phim đã được tuyển chọn để tham dự Chương trình Phim dài Dự thi và Phim ngắn Dự thi. 11 bộ phim trong Chương trình Phim Dài dự thi là những tác phẩm tuyển chọn từ các nền điện ảnh tiêu biểu trên thế giới như Ấn Độ, Ba Lan, Iran, Pháp, Brazil, Tây Ban Nha, Sri Lanka, Myanmar, Kazakhstan, Philippines. Mỗi bộ phim đề cập đến một chủ đề khác nhau, thể hiện các giá trị văn hóa, con người của từng quốc gia, dân tộc, tạo thành bức tranh sinh động và hấp dẫn.

20 bộ phim trong Chương trình Phim Ngắn dự thi gồm các thể loại phim Truyện, phim Tài Liệu, phim Hoạt hình, là những góc nhìn đa dạng về lịch sử, thiên nhiên, môi trường, cuộc sống, gia đình, giá trị văn hóa…

Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành, Trưởng BTC HANIFF VI

Lễ khai mạc và Bế mạc- Trao giải thưởng được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Hà Nội, số 91 Trần Hưng Đạo, Hà Nội; Lễ khai mạc được truyền hình trực tiếp lúc 20 giờ ngày 8.11 trên sóng Đài PTTH Hà Nội (HTV1); Lễ Bế mạc - Trao giải thưởng được truyền hình trực tiếp trên sóng Đài truyền hình Việt Nam (VTV2).

Trong khuôn khổ Liên hoan sẽ có triển lãm "Bối cảnh quay phim là các di tích, di sản văn hóa của Hà Nội" giới thiệu hơn 200 hình ảnh trong các phim của điện ảnh Việt Nam quay tại Hà Nội; triển lãm cũng giới thiệu các quần thể di tích, di sản văn hóa của Thủ đô. Hai hội thảo diễn ra trong khuôn khổ LHP với hai chủ đề: "Tiêu điểm điện ảnh Hàn Quốc" và "Điện ảnh- Kết nối và lan tỏa giá trị văn hóa".

Bên cạnh đó là chương trình Chợ Dự án phim- nơi hỗ trợ các nhà sản xuất, đạo diễn và biên kịch trong khu vực châu Á- Thái Bình Dương giới thiệu dự án làm phim của mình với các nhà đầu tư, các chuyên gia điện ảnh trong và ngoài nước. Chợ Dự án phim không chỉ là nơi gặp gỡ, trải nghiệm của các nhà làm phim trẻ triển vọng mà còn là nơi đem đến cho họ cơ hội phát triển dự án phim cũng như nâng cao trình độ chuyên môn, tiếp cận với các nhà sản xuất, đơn vị phát hành, liên hoan phim và các nhà đầu tư. Chợ dự án sẽ lựa chọn 3 dự án phim nổi bật của các nước trong khu vực; 5 dự án nổi bật của Việt Nam để trao thưởng.

BTC cho biết, trong khuôn khổ LHP , các đại biểu sẽ có cơ hội tham quan, trải nghiệm các di tích, danh thắng của Hà Nội và Bắc Ninh; tham gia chương trình chiếu phim ngoài trời, giao lưu với các ngôi sao điện ảnh… Khán giả yêu điện ảnh có thể đăng ký nhận vé xem phim miễn phí tại các cụm rạp chiếu phim của Trung tâm chiếu phim quốc gia; CGV; BHD.

Tại họp báo, BTC đã công bố dàn giám khảo uy tín của HANIFF VI. Ban Giám khảo phim dài do đạo diễn, biên kịch Ba Lan Janusz Jikowski làm Chủ tịch Ban Giám khảo. Ông sinh năm 1948, tốt nghiệp trường Đại học Warsaw. Janusz Jikowski là giảng viên dạy tại Viện INSAS, Brussels, Bỉ từ năm 1983 và trường Điện ảnh, Truyền hình và Sân khấu Lodz. Ông là Phó chủ tịch Hội người làm phim Ba Lan và là thành viên Hội đồng Viện phim Ba Lan, thành viên của Viện phim châu Âu (EFA).

Hai tác phẩm tiêu biểu do ông đạo diễn gồm Kung-fu (1979); Indeks (1977). Một số giải thưởng: Giải Giám khảo và Giải Đạo diễn mới -LHP Ba Lan 1979, Giải FIPRESCI - LHP quốc tế Locarno 1980.

Các thành viên Ban Giám khảo hạng mục phim dài gồm: Giám đốc điều hành Học viện nghệ thuật Điện ảnh Hàn Quốc (KAFA) Gunshik Jo; nhà báo, tác giả, nhà phê bình điện ảnh, cố vấn biên kịch Mỹ  Mark Schilling; diễn viên người Iran Fatemah Motamed-Aria; đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Ông Gunshik Jo là Giám đốc điều hành của Học viện Nghệ thuật Điện ảnh Hàn Quốc (KAFA), trực thuộc Hiệp hội Điện ảnh Hàn Quốc. Ông là đạo diễn phim Conduct Zero sản xuất năm 2002, Once in a summer (2006), My new sassy girl (2015) và một số bộ phim khác. 

Nhà báo Mark Schilling sinh năm 1949, hoạt động tại Nhật Bản viết cho các tờ báo lớn như Variety, The Japan Times.Ngoài ra ông là tác giả của nhiều đầu sách về điện ảnh Nhật Bản, cũng như điện ảnh châu Á. Kể từ năm 2000, Ông Schilling là cố vấn chương trình cho Liên hoan phim Viễn Đông Udine, phụ trách bối cảnh của phim Nikkatsu Action (2005), cho studio Shintoho (2010). 

Fatemeh Motamed-Arya “Simin” là một nữ diễn viên Iran từng đoạt nhiều giải thưởng với hơn 80 giải quốc gia và quốc tế. Bà bắt đầu sự nghiệp sân khấu của mình khi còn là một thiếu niên và có nhiều năm kinh nghiệm biểu diễn. Simin đã xuất hiện trong hơn 70 bộ phim và hợp tác với một số đạo diễn gạo cội của điện ảnh Iran như Abbas Kiarostami, Mohsen Makhmalbaf và Rakhshan Bani-Etemad và giành nhiều giải thưởng ở các liên hoan phim quốc tế. 

Toàn cảnh họp báo

Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên sinh năm 1968 tại Hà Nội, là người sáng lập và điều hành tâm hỗ trợ phát triển tài năng Điện Ảnh (TPD) Hội Điện Ảnh Việt Nam từ năm 2002. Bùi Thạc Chuyên là đạo diễn Việt Nam đầu tiên đoạt giải ở hạng mục phim ngắn Cinefondation tại Liên hoan phim Cannes 2000 với phim Cuốc xe đêm. Vừa qua, Bùi Thạc Chuyên đưa phim Tro tàn rực rỡ (chuyển thể từ truyện ngắn Nguyễn Ngọc Tư) tới LHP quốc tế Tokyo. 

Ban Giám khảo phim ngắn do bà Wakai Makiko, nhà làm phim, nhà hoạt động điện ảnh Nhật Bản làm Chủ tịch. Ban Giám khảo NETPAC do bà Ranjanee Ratnavibhushana, nhà biên kịch, nhà báo, nhà phê bình phim Sri Lanka làm Chủ tịch.

Minh Ước

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan