Hội thảo “Quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp”

18/07/2024
In trang
Ngày 16/7/2024, tại Hà Nội, Cục Điện ảnh đã tổ chức Hội thảo “Quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam - Thực trạng và giải pháp” với sự tham gia của gần 40 nhà quản lý, chuyên gia, nhà nghiên cứu và doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phổ biến phim trên không gian mạng.

Hội thảo nằm trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học “Công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch giao Cục Điện ảnh thực hiện tại Quyết định số 3648/QĐ-BVHTTDL ngày 26/12/2022 về việc phê duyệt nội dung và kinh phí nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp Bộ thực hiện năm 2023-2024. Đây là công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu trên cơ sở thực tế, khảo sát, phân tích, nhận định, đánh giá, tìm ra những vướng mắc, hạn chế từ đó đề ra giải pháp khắc phục góp phần hoàn thiện chính sách pháp luật về công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam.

Tiến sĩ Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ nhiệm đề tài phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Tiến sĩ Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh, Chủ nhiệm đề tài cho biết, hoạt động phát hành, phổ biến phim đã trở nên quen thuộc và việc quản lý hoạt động này dần đi vào nề nếp sau nhiều năm triển khai, thực hiện Luật Điện ảnh năm 2006 và Luật Điện ảnh sửa đổi, bổ sung năm 2009. Ở Việt Nam, tuy hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đã được xác định tại Luật Điện ảnh số 62/2006/QH11, nhưng trên thực tế việc quản lý hoạt động này mới được quy định rõ ràng và có biện pháp quản lý cụ thể hơn tại Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15, Nghị định số 131/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Điện ảnh cùng một số văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong quá trình xây dựng Luật Điện ảnh, đứng trước áp lực mạnh mẽ của các tổ chức nước ngoài, cùng với việc phải bảo đảm sự công bằng giữa các doanh nghiệp phổ biến phim trong nước và doanh nghiệp phổ biến phim xuyên biên giới, nhiều quan điểm quản lý khác nhau đã được đưa ra để quản lý hoạt động này. Tuy nhiên, nhờ có sự vào cuộc mạnh mẽ và quyết tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ và đặc biệt với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ VHTTDL, trong đó Cục Điện ảnh được giao đầu mối xây dựng nên bước đầu cơ sở pháp lý để quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam đã được thực định ngày càng rõ ràng, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực cũng có sự đổi thay tích cực và tiến gần hơn đến sự hoàn thiện. Hành lang pháp lý mới, cụ thể và rõ ràng hơn cùng nhiều cải cách trong thủ tục hành chính cũng như những giải pháp đổi mới khi ứng dụng công nghệ kỹ thuật đã góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng.

Tuy nhiên, sau gần một thập kỷ phát triển mạnh mẽ, hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng đã đặt ra cho công tác quản lý nhà nước những khó khăn, hạn chế, bất cập nhất định. Vấn đề đặt ra giờ đây không chỉ còn là việc kiểm soát nội dung các bộ phim xem chúng có phù hợp với chính sách của một nhà nước hay không nữa mà còn liên quan trực tiếp đến các khía cạnh khác như việc thực thi pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ; chi phí và các mức thuế mà người xem phải chi trả cho việc xem các bộ phim được phát trên các trang mạng có máy chủ đặt ở nước ngoài,… Gần đây, một số phim trên dịch vụ Netflix có các nội dung vi phạm chủ quyền lãnh thổ Việt Nam, phim có nội dung vi phạm về văn hóa khá phổ biến do quan điểm, lối sống phương Tây khác biệt với văn hóa Á Đông; cá biệt có những phim làm sai lệch lịch sử đấu tranh cách mạng bảo vệ Tổ quốc; có cả những phim không có bản quyền.

Bên cạnh đó, công tác quản lý nhà nước thường xuyên rơi vào trạng thái bị động, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật vẫn đang trong quá trình hoàn thiện trên cơ sở Luật Điện ảnh số 05/2022/QH15 vừa được Quốc hội thông qua ngày 15/6/2022 và chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023. Ngoài ra, việc tích lũy kinh nghiệm trong công tác quản lý còn nhiều hạn chế, thiết bị công nghệ chưa hỗ trợ hiệu quả cho công tác quản lý. Việc xác định chức năng nhiệm vụ trong công tác quản lý, đối tượng quản lý còn chưa thực sự được phân định rõ ràng. Phối hợp liên ngành giữa các cơ quan nhà nước còn khá nhiều bất cập.

Toàn cảnh Hội thảo

Phim trên không gian mạng tiềm ẩn những nguy cơ

Đồng quan điểm với tiến sĩ Đỗ Quốc Việt, các nhà quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học tại Hội thảo đã thẳng thắng nhìn nhận, đánh giá thực trạng công tác quản lý phổ biến phim trên không gian mạng tại Việt Nam hiện nay và vai trò của các cơ quan quản lý nhà nước để quản lý hoạt động này. Theo bà Ngô Minh Nguyệt, Phó Tổng biên tập Tạp chí Văn hóa nghệ thuật đề cập, trong một thế giới phẳng, các bộ phim trên không gian mạng ngày càng dễ tiếp cận. Dù ở bất cứ đâu, chỉ cần một cú nhấp chuột, mọi thông tin đều có thể tiếp cận. Tuy nhiên, trong xu thế này, bên cạnh những thuận tiện cũng tiềm ẩn không ít nguy cơ. Theo bà Nguyệt, thực tế nhiều năm qua đã cho thấy có những cài cắm tinh vi về chủ quyền, tranh chấp trên đất liền, biển đảo… được lồng ghép trong những câu chuyện, hành động, lời thoại của nhân vật. Nhiều bộ phim lồng ghép đường lưỡi bò, đường chín đoạn trong một số chi tiết, phân cảnh đã bị cơ quan chức năng của Việt Nam yêu cầu gỡ bỏ các vi phạm hoặc cấm chiếu.

“Xâm lấn bằng con đường phim ảnh, văn hóa đang đe dọa trực tiếp đến nhận thức của công chúng. Xem quá nhiều những bộ phim như vậy, khán giả sẽ vô tình bị định hướng, dẫn dắt theo tư tưởng sai lạc. Thêm vào đó, môi trường mạng tiện lợi, dễ sử dụng nên mọi lứa tuổi, không phân biệt quốc tịch, nhận thức đều có thể bị tiếp cận, bị “thao túng” bởi những sản phẩm độc hại”, bà Ngô Minh Nguyệt nhấn mạnh.

Trước các diễn biến phức tạp, đa chiều từ công nghệ, vai trò của quản lý nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng càng trở nên cấp thiết. Theo các chuyên gia điện ảnh, việc nhận thức sớm, nhận thức đúng cũng như dự báo nguy cơ, hiểm họa từ một số bộ phim sẽ giúp cơ quan chức năng có biện pháp cảnh báo, phòng ngừa, hạn chế, ngăn chặn kịp thời các tác hại xấu, độc, không cho phát tán rộng rãi.

“Những cảnh báo sẽ giúp công chúng có sự tiếp thu chọn lọc và không bị dẫn dắt theo những chủ ý sai lạc được cài cắm. Không chỉ thế, vai trò quản lý nhà nước còn thể hiện trong việc ngăn chặn những bộ phim có nội dung kích động bạo lực, tuyên truyền văn hóa phẩm đồi trụy...”, bà Ngô Minh Nguyệt nhấn mạnh.

Cần kiểm soát bằng những điều luật cụ thể, rõ ràng

Theo bà Phan Thu Hồng, Trưởng phòng Nghiệp vụ - Điều phối, Cục Thông tin đối ngoại (Bộ TTTT), vai trò quản lý của nhà nước đối với hoạt động phổ biến phim trên không gian mạng cần được cụ thể bằng các điều luật, quy định cụ thể, rõ ràng. Càng cụ thể bao nhiêu thì càng hạn chế được những tác hại, mặt tiêu cực mà không gian mạng mang lại trong đó có lĩnh vực phổ biến phim.

“Việc xây dựng các điều luật cũng giúp cho các đơn vị sáng tạo nội dung, vận hành phổ biến phim trên không gian mạng có nền tảng pháp lý để định hướng, điều tiết các hoạt động của mình. Luật càng cụ thể, dễ hiểu càng giúp các nghệ sĩ, các đơn vị phổ biến phim dễ vận hành”, bà Phan Thu Hồng nêu ý kiến.

“Vì vậy, cần phải tăng cường thẩm định, rà soát, xử lý đối với việc phổ biến phim trên không gian mạng có nội dung sai phạm, bôi nhọ, xúc phạm đời tư các cá nhân, tổ chức, công dân, kích động, chia rẽ, chống phá Đảng, Nhà nước và phát tán sản phẩm văn hóa, phim ảnh đồi trụy; cương quyết chuyển cơ quan điều tra truy tố, xét xử đối với các hành vi có dấu hiệu tội phạm để đảm bảo tính răn đe, nghiêm trị...”.

Bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan quản lý, mỗi người dùng mạng xã hội cũng cần tự tạo sức đề kháng cũng như bày tỏ thái độ trước các nội dung xấu độc, nội dung “rác”, kém chất lượng... để tránh sự lây lan, gây những tác động tiêu cực tới đời sống xã hội nói chung.

Về các hoạt động ngăn chặn thông tin, phim ảnh có nội dung xấu độc, vi phạm pháp luật Việt Nam trên các trang không rõ nguồn gốc, có tên miền quốc tế, máy chủ đặt tại nước ngoài, bà Phan Thu Hồng cho biết, với nhóm đối tượng này, giải pháp duy nhất là dùng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn, gỡ bỏ. Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông đã triển khai đồng bộ hệ thống kỹ thuật để điều phối và giám sát việc chặn lọc kỹ thuật của 11 nhà mạng với nhóm đối tượng này. Tổng số lượng lệnh được thực hiện chặn là 1.461 website/blog xấu độc, vi phạm pháp luật trên không gian mạng Việt Nam; trong đó có nhiều trang phổ biến phim bất hợp pháp. Bà Hồng cũng cho rằng, một giải pháp luôn thời sự là tuyên truyền, làm cho mọi người hiểu được tác hại của hành vi này đang gặm nhấm, làm sai lệch nhận thức về chủ quyền lãnh thổ biển đảo của Tổ quốc.

“Thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ “xâm lăng” văn hóa tiềm ẩn trong nhiều bộ phim trên không gian mạng, trong đó, chú trọng hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật; sử dụng kỹ thuật công nghệ, xử lý dùng dữ liệu lớn, nâng cao năng lực rà quét, giám sát liên tục 24/7, phát hiện sai phạm, cảnh báo và xử lý kịp thời…”, bà Phan Thu Hồng đề xuất.

Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan

Khẳng định hiệu quả công tác phối hợp giữa Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và Bộ Thông tin và Truyền thông trong quản lý phim trên không gian mạng, ông Bùi Huy Cường, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, qua hoạt động quản lý nhà nước về dịch vụ phát thanh, truyền hình, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận thấy các doanh nghiệp nước ngoài cung cấp dịch vụ xuyên biên giới có nhiều phim vi phạm tiêu chí phổ biến theo quy định pháp luật Việt Nam và đã có văn bản phối hợp, đề nghị Bộ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, xử lý, đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp nước ngoài được kinh doanh trên cùng mặt bằng pháp lý.

Để công tác phối hợp giữa hai Bộ đi vào thực chất, hiệu quả, theo ông Cường, cần có thêm những giải pháp mạnh tay và nghiêm khắc. Đồng thời, cần kịp thời ban hành quyết định không cho phép phổ biến đối với những phim vi phạm nội dung và hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điện ảnh. “Quyết định không cho phép phổ biến cần ban hành song song với việc yêu cầu các doanh nghiệp gỡ phim khỏi nền tảng dịch vụ. Như vậy, sẽ không xảy ra tình trạng xuất hiện những phim đã vi phạm nội dung bị nghiêm cấm được biên tập và tiếp tục cung cấp…”, ông Cường nhấn mạnh.

Chia sẻ về một thực tế khi nhiều sinh viên ra trường hiện nay thích đầu quân cho các công ty truyền thông hơn là các hãng phim truyền thống, TS Đặng Thu Hà - Trưởng Bộ môn Biên kịch và Lý luận, Phó Trưởng khoa Nghệ thuật Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu - Điện ảnh Hà Nội cho biết, lực lượng này tham gia sản xuất các Short Form Video (phim video dạng ngắn) với khoảng 30 - 50 nội dung phim ngắn trong một tháng. Với số lượng phim lớn và có tác động mạnh mẽ đến giới trẻ thì vấn đề đặt ra là làm thế nào để quản lý việc phát hành trên không gian mạng cũng như vấn đề bản quyền, xác định chủ thể sáng tạo khi một số phim là sự cắt ghép, dàn dựng hay trích từ các camera an ninh…

Bà Đặng Thu Hà cũng cho rằng, cần tăng cường bồi dưỡng năng lực cảm thụ nghệ thuật, cụ thể là điện ảnh trong các trường học, đây là giải pháp lâu dài nhằm tạo ra một lớp công chúng trẻ cho tương lai.

Đến từ công ty Cổ phần truyền thông FPT, bà Tô Nam Phương - Phó Tổng giám đốc FPT Play chia sẻ: Việt Nam hiện có 78 triệu người dùng mạng, thuộc top đầu của thị trường phát triển Internet. Theo bà Phương, với việc áp dụng công nghệ thông tin vào việc quản lý, kiểm soát những hình ảnh, lời thoại nhạy cảm sẽ dần dần dễ dàng hơn. Hiện nay, công ty đang thử nghiệm đưa AI vào kiểm duyệt hình ảnh, đường lưỡi bò… và bước đầu có hiệu ứng tốt.

Chia sẻ những khó khăn, thách thức của các doanh nghiệp tham gia phổ biến phim trên không gian mạng tại Hội thảo, đồng thời bà Hoàng Thị Bích Hà - Phó Giám đốc MyTV cũng đưa ra giải pháp, đó là cần có các chương trình lồng ghép, giáo dục cho lớp trẻ từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường để tạo nên những thay đổi trong nhận thức và có các ứng xử hợp lý trong tương lai. Cần giáo dục cho các em về ý thức không sử dụng những sản phẩm lậu, vi phạm bản quyền ngay từ nhỏ để tạo nên những thói quen tốt.

Ông Nguyễn Ngọc Hân – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông đa phương tiện đã nhấn mạnh vấn đề với những phát triển của công nghệ không khó để rà soát những hình ảnh, chi tiết, mẫu âm thanh vi phạm thông qua áp dụng công nghệ, sử dụng trí tuệ nhân tạo để rà soát các bộ phim, các website… Ông Hân cho rằng, cần có sự bắt tay giữa các bộ, ngành và các công ty công nghệ với các bộ phim trong nước khi phát hành ra nước ngoài. Công nghệ hiện nay đã có thể giúp ghi danh, đánh số và cung cấp một số giải pháp bảo vệ bản quyền trên không gian mạng.

Kết luận tại hội thảo, tiến sĩ Đỗ Quốc Việt khẳng định: Việc quản lý phổ biến phim trên không gian mạng luôn là một thách thức. Nhưng cùng với sự chung tay của các bộ, ngành, các đơn vị phát hành phim, công ty công nghệ thì những thách thức đó có thể được từng bước khắc phục và mang tới một môi trường mạng lành mạnh hơn cho các chủ thể sáng tạo, nhà phát hành và cả công chúng.

Minh Ước

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan