Hội nghị - Hội thảo xây dựng Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến

07/08/2022
In trang
Ngày 5/8/2022, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức Hội nghị - Hội thảo xây dựng Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến với sự tham gia của đông đảo các nhà quản lý, chuyên gia, nhà sản xuất và đơn vị, doanh nghiệp phổ biến phát hành phim.

Phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo, ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh nhấn mạnh, thời gian qua, công tác phát hành, phổ biến phim - đầu ra của điện ảnh chiếm một vị trí thiết yếu, ảnh hưởng sâu rộng, tác động trực tiếp trong việc định hướng giáo dục chính trị, tư tưởng và thẩm mỹ cho công chúng, nâng cao, làm phong phú thêm đời sống văn hóa và tinh thần cho người dân trên khắp mọi miền trong cả nước.

Cục trưởng Vi Kiến Thành phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo

Cục trưởng Vi Kiến Thành phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã, đang và ngày càng có tác động sâu rộng, toàn diện đến tất cả các lĩnh vực đời sống xã hội trong đó phải kể đến lĩnh vực truyền thông giải trí nói chung và điện ảnh nói riêng. Thói quen trong tiêu dùng, giải trí, hưởng thụ nghệ thuật của người dân trong xã hội hiện đại đang là động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi số ở tất cả các khâu của ngành điện ảnh.

Cùng với sự phát triển nhanh chóng và bao trùm của công nghệ số hóa, yếu tố rủi ro về thiên tai, dịch bệnh và từ nhiều yếu tố bất thường khác đã từng bước làm thay đổi hành vi, thói quen của khán giả đối với việc hưởng thụ các tác phẩm điện ảnh.

Ông Vi Kiến Thành cho biết, hai năm trở lại đây, hàng loạt các rạp chiếu phim toàn cầu phải đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng khiến nhiều kế hoạch ra rạp của các siêu phẩm điện ảnh bị đảo lộn. Khán giả thay vì rời khỏi nhà và thưởng thức điện ảnh trên các hàng ghế trước màn ảnh rộng nhiều người buộc phải từ bỏ thói quen đi xem rạp và chọn hình thức xem phim tại nhà. Chính sự thay đổi đột ngột xu hướng hưởng thụ điện ảnh này nhiều nhà sản xuất không còn cách nào khác là phải tìm tới các nền tảng phát hành trực tuyến như một cứu cánh cho đầu ra của các phim bom tấn - hình thức mà trước đây trong điều kiện bình thường họ không mấy mặn mà.

Nhiều hãng phim lớn đã phải lựa chọn giải pháp tình thế bằng phương thức phát hành phim tại rạp cùng lúc với phát hành phim trực tuyến hoặc lập kênh phát hành và phổ biến phim trực tuyến riêng. Hình thức phát hành phim trực tuyến theo yêu cầu, chuyển từ màn ảnh rộng sang các màn hình tivi, điện thoại, máy tính với độ phủ sóng rộng khắp, không phụ thuộc vào khoảng cách, không gian và thời gian đã được nhiều nhà sản xuất, phát hành điện ảnh lựa chọn.

Đại diện Cục Bản quyền tác giả Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo

Với sự trợ giúp của công nghệ số hóa trên các nền tảng trực tuyến, các tác phẩm điện ảnh được phủ sóng rộng rãi hơn, không phụ thuộc vào khoảng cách và cũng “bất chấp” các quy định về giãn cách xã hội; khán giả có thể lựa chọn linh hoạt về khung giờ, địa điểm với hàng trăm, hàng nghìn sự lựa chọn phong phú các thể loại phim có sẵn. Chỉ trong một cú nhấp chuột có thể đưa cả rạp chiếu phim về nhà với chi phí rất thấp so với việc ra rạp.

Điện ảnh Việt Nam không nằm ngoài xu hướng phát triển của điện ảnh toàn cầu, nếu thế giới có Netflix thì Việt nam cũng đã có VTVgo, FPT Play, Galaxy Play, DA.NET.... và rất nhiều các trang phim không chính thống cũng thu hút được lượng lớn người truy cập. Ngoài việc đáp ứng nhu cầu giải trí trong xu hướng mới (trạng thái bình thường mới), việc khai thác chiếu phim trên nền tảng không gian mạng còn góp phần quảng bá đất nước, con người, văn hóa Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ông Đỗ Quốc Việt, Phó Cục trưởng Cục Điện ảnh phát biểu tại Hội nghị - Hội thảo

Theo đó, có thể khẳng định hình thức phát hành phim trực tuyến, trên không gian mạng là một trong những cơ hội để Điện ảnh Việt Nam đưa các tác phẩm điện ảnh đến gần công chúng hơn nữa, tiếp cận lượng lớn khán giả tiềm năng cho điện ảnh truyền thống, nâng cao giá trị tinh thần của người dân.

Trước xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ, ngày 18/10/2021, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2649/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng Đề án “Trung tâm phát hành phim trực tuyến”. Trong quá trình khảo sát xây dựng Đề án nhằm phù hợp xu thế, Đề án đổi tên thành “Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến”.

Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến được thành lập sẽ là nền tảng trực tuyến chính thức của Nhà nước để phát hành và phổ biến phim Việt Nam, phục vụ đời sống tinh thần cho nhân dân; là nguồn cung cấp phim cho các đơn vị điện ảnh tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phục vụ nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền trong dịp kỷ niệm những ngày lễ lớn của đất nước; cùng đó, sẽ là nơi lưu trữ và cung cấp nguồn phim kỹ thuật số hoặc đã được chuyển đổi số do Nhà nước đầu tư sản xuất qua nhiều thời kỳ; và là một trong những nơi lưu trữ trên không gian mạng nhiều thể loại phim do Việt Nam sản xuất; đồng thời phục vụ rộng rãi và đa dạng việc nghiên cứu, giảng dạy, học tập hoặc các nhu cầu người xem; góp phần khẳng định vai trò của Điện ảnh vừa là ngành nghệ thuật, vừa là ngành kinh tế, trở thành một trong những ngành mũi nhọn của công nghiệp văn hoá.

Toàn cảnh Hội nghị - Hội thảo

Trong điều kiện Nhà nước vẫn duy trì các đội chiếu phim lưu động phục vụ đồng bào miền núi vùng sâu, vùng xa như hiện nay, Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến trở thành nguồn cung cấp phim cho các Trung tâm Văn hoá - Điện ảnh địa phương một cách nhanh, đầy đủ thay cho phương thức vận chuyển cũ thủ công, tốn kém nhân lực và tài chính.

Tuy nhiên, ông Vi Kiến Thành cũng cho rằng, để xây dựng một Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến cần đảm bảo hệ thống hoạt động thông suốt cần nguồn nhân lực có trình độ công nghệ thông tin cao, đòi hỏi phải đầu tư lớn cả phần cứng lẫn phần mềm. Thêm vào đó, sự phát triển công nghệ thông tin rất nhanh nên hệ thống cần nâng cấp nhằm đảm bảo chất lượng và đáp ứng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Việc đảm bảo an toàn cho hệ thống kênh phim cũng như việc mã hóa để bảo vệ bản quyền phim luôn là nội dung gây tốn kém chi phí và khó giải quyết triệt để.

Tại Hội nghị - Hội thảo, các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý; đại diện các Hội, Hiệp hội; các đơn vị phát hành phim, phổ biến phim trên không gian mạng; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện ảnh đã cùng nhau thảo luận và đề ra phương hướng, cũng như đề xuất các kiến nghị cho hoạt động của Trung tâm phát hành và phổ biến phim trực tuyến trong giai đoạn kinh tế số và hội nhập quốc tế. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang chịu tác động mạnh mẽ của đại dịch Covid - 19, trong đó đã ảnh hưởng lên toàn bộ các hoạt động của ngành điện ảnh nói chung và hoạt động phát hành, phổ biến phim nói riêng.

Minh Ước

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan