Thứ trưởng Tạ Quang Đông kiểm tra trực tiếp công tác bảo quản phim tại Viện Phim Việt Nam
Cùng có mặt và chứng kiến việc kiểm tra của Bộ VHTTDL đối công tác lưu trữ, bảo quản tại Viện phim Việt Nam còn có người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam và đại diện nghệ sĩ đã ký tên trong đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ VHTTDL.
Lưu trữ phim theo tiêu chuẩn quốc tế
Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh, với tinh thần công khai, minh bạch, Bộ VHTTDL mời các Cục, Vụ, đơn vị chức năng và trực tiếp người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam, đại diện nghệ sĩ đã ký tên trong đơn kiến nghị gửi Bộ trưởng BộVHTTDL cùng tham gia khảo sát thực tế, đánh giá hiện trạng bảo quản các bộ phim giá trị của điện ảnh Việt Nam, trong đó bao gồm 278 phim do Nhà nước giao nhiệm vụ, đặt hàng, tài trợ. Số phim này cũng đã được lưu trữ tại Hãng phim, được 19 nghệ sĩ phản ánh về tình trạng hỏng hóc, không thể sử dụng.
“Kiến nghị của các nghệ sĩ của Hãng phim về việc Vivaso (Công ty Vận tải thuỷ) phải in bù lại gần 300 phim bị hỏng là việc nội bộ của Công ty. Trên thực tế, Vivaso mua lại 65% cổ phần của Hãng phim, trở thành nhà đầu tư chiến lược và quyết định toàn bộ việc vận hành của hãng. Vì vậy họ phải có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ toàn bộ tài sản nói chung, kho phim nói riêng…
Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nếu coi tài sản của Công ty có hàng trăm cuốn phim truyện nhựa bị hỏng này thì chuyện đền bù, hay in lại là vấn đề nội bộ, Bộ không can thiệp”. Thứ trưởng Tạ Quang đông nhấn mạnh.
“Chúng ta được chứng kiến tận mắt công tác bảo quản, lưu trữ từng bộ phim điện ảnh đã được thực hiện bài bản, khoa học, trong điều kiện tiêu chuẩn quốc tế tại các kho phim của Viện Phim Việt Nam. Những bộ phim này đều luôn được đảm bảo chất lượng tốt nhất, vì vậy có thể sẵn sàng sử dụng để trình chiếu tại các kỳ LHP, phục vụ các đợt phim kỷ niệm, các nhiệm vụ chính trị…”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Lãnh đạo Bộ cho rằng, những tâm tư, nguyện vọng của các nghệ sĩ thuộc Hãng phim truyện Việt Nam luôn luôn được Bộ VHTTDL lắng nghe, chia sẻ. Tuy nhiên, những kiến nghị liên quan đến tình trạng hỏng hóc của gần 300 bộ phim tại Hãng mà các nghệ sĩ nêu lên chưa chính xác, không dựa trên những cơ sở đầy đủ cả về mặt pháp lý lẫn thực tiễn. Tại buổi kiểm tra, các chuyên gia bảo quản phim và kho phim của Viện Phim đã chứng minh mỗi bộ phim đều đang được Viện phim lưu trữ, bảo quản cả bản gốc là Negative Son+ Negative hình (màu hoặc đen trắng) và bản Positive (hoàn chỉnh) chuẩn màu và hình.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông kiểm tra bản bản gốc đang được lưu giữ và bảo quản theo tiêu chuẩn nghiêm ngặt của Việt Nam và thế giới
Theo quy định tại Luật Điện ảnh, bản gốc của các bộ phim Nhà nước đặt hàng đương nhiên phải nộp về Viện phim Việt Nam. Những bản phim gốc này trong nhiều thập kỷ qua vẫn luôn được bảo quản đúng tiêu chuẩn, an toàn tại Viện phim; với điều kiện kho, nhiệt độ đạt chuẩn, các thiết bị về phòng cháy chữa cháy… Cùng với bản phim gốc, hồ sơ lưu tại Viện phim Việt Nam còn bao gồm đầy đủ kịch bản, poster quảng cáo, bản phim duyệt, bản phim chính… Nghĩa là toàn bộ các thành phần tạo nên từng bộ phim đều được lưu tại Viện phim.
“Vì vậy, việc cho rằng bản lưu tại Hãng phim mới là bản hoàn chỉnh nhất về định sáng, chỉnh màu… là không chính xác. Thực tế tại Viện phim Việt Nam cho thấy những bộ phim đang được lưu trữ, bảo quản đầy đủ cả bản gốc và mọi hồ sơ liên quan, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu trình chiếu bất cứ khi nào, và với chất lượng cao nhất”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nói rõ.
Bên cạnh đó, như Văn Hoá đã khẳng định, từ khi ra đời bộ phim điện ảnh cách mạng đầu tiên do Hãng phim truyện Việt Nam sản xuất cho đến khi Luật Điện ảnh được ban hành năm 2006, chức năng nhiệm vụ của Hãng phim truyện Việt Nam luôn được quy định là đơn vị sản xuất phim, không phải là cơ sở lưu trữ. Luật Điện ảnh cũng quy định cơ sở lưu trữ phim của ngành văn hoá chỉ duy nhất có Viện phim Việt Nam. Phim sau khi sản xuất được lưu chiểu tại Cục Điện ảnh và lưu trữ tại Viện phim. Những bộ phim Nhà nước đặt hàng, đề tài chiến tranh cách mạng khi tạm lưu ở Hãng phim là những bản để phục vụ hoạt động chuyên môn và nhiệm vụ sản xuất phim.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông kiểm tra kho lưu trữ và bảo quản bản positive tại Viện Phim Việt Nam
Cùng với công tác lưu trữ, bảo quản bài bản, khoa học, thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL, Viện phim Việt Nam cũng đang tích cực triển khai và đẩy mạnh việc số hoá các bản phim nhằm lưu giữ lâu dài những di sản điện ảnh vô giá, trong đó có nhiều bộ phim kinh điển, sống cùng năm tháng của điện ảnh Việt Nam.
Đền bù gần 300 phim hỏng là chuyện nội bộ Công ty
Thứ trưởng Tạ Quang Đông cũng nêu rõ, kiến nghị của các nghệ sĩ của Hãng phim về việc Vivaso (Công ty Vận tải thuỷ) phải in bù lại gần 300 phim bị hỏng là việc nội bộ của Công ty. Trên thực tế, Vivaso mua lại 65% cổ phần của Hãng phim, trở thành nhà đầu tư chiến lược và quyết định toàn bộ việc vận hành của hãng. Vì vậy họ phải có trách nhiệm bảo quản, lưu giữ toàn bộ tài sản nói chung, kho phim nói riêng. Với đặc thù của những cuốn phim đòi hỏi phải được bảo quản trong điều kiện kỹ thuật ngặt nghèo, nếu Hãng phim coi những bản phim này là tài sản thì nhất thiết phải có kế hoạch và phương án bảo quản.
“Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. Nếu coi tài sản của Công ty có hàng trăm cuốn phim truyện nhựa bị hỏng này thì chuyện đền bù, hay in lại là vấn đề nội bộ, Bộ không can thiệp”, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định.
Thứ trưởng Tạ Quang Đông và đại diện các cơ quan kiểm tra Sổ theo dõi tình trạng kỹ thuật phim và số hoá hồ sơ lưu trữ, bảo quản phim trên hệ thống máy tính
Nói thêm về vấn đề này, Phó Chánh Thanh tra Bộ Hà Văn Lâu nêu rõ: “Theo quy định pháp luật, Hãng phim không có chức năng lưu trữ phim. Những bộ phim được lưu tại Hãng phim để phục vụ hoạt động chuyên môn là tài sản riêng, phát sinh của Hãng, không thuộc trách nhiệm bảo quản, lưu trữ và phát huy phim của đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL. Vì thế, những vấn đề liên quan khác như đền bù, in lại phim…đều thuộc vấn đề nội bộ. Còn trách nhiệm bảo quản những bộ phim theo đúng quy định pháp luật thì đã được Viện phim Việt Nam thực hiện tốt trong nhiều năm qua”.
“Theo quy định pháp luật, Hãng phim không có chức năng lưu trữ phim. Những bộ phim được lưu tại Hãng phim để phục vụ hoạt động chuyên môn là tài sản riêng, phát sinh của Hãng, không thuộc trách nhiệm bảo quản, lưu trữ và phát huy phim của đơn vị chức năng thuộc Bộ VHTTDL. Vì thế, những vấn đề liên quan khác như đền bù, in lại phim…đều thuộc vấn đề nội bộ. Còn trách nhiệm bảo quản những bộ phim theo đúng quy định pháp luật thì đã được Viện phim Việt Nam thực hiện tốt trong nhiều năm qua”. Phó Chánh Thanh tra Bộ VHTTDL Hà Văn Lâu cho biết.
Ông Tuấn Anh, người đại diện phần vốn Nhà nước tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Phim truyện Việt Nam thừa nhận, các bản phim lưu tại Hãng phim truyện Việt Nam chủ yếu để phục vụ yêu cầu làm phim, được các nghệ sĩ sử dụng làm tư liệu nghiên cứu. Đồng thời, để phục vụ công tác bảo quản, sử dụng lâu dài, Hãng phim cũng đã chủ động tiến hành số hoá. Những bản phim kỹ thuật số hiện đang được lưu giữ tại Hãng; sử dụng cho các hoạt động như phát hành, chiếu trên mạng…
Tại buổi làm việc, NSƯT, nhà quay phim Vũ Đức Tùng, một trong số 19 nghệ sĩ ký tên trong đơn kiến nghị cho biết, trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra công tác lưu trữ, bảo quản tại Viện phim, ông nhận thấy sự bài bản, khoa học cũng như hồ sơ lưu rất đầy đủ các thành phần, nội dung liên quan đến từng bộ phim. Nhà quay phim Vũ Đức Tùng chia sẻ, bối cảnh hiện tại khiến các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam không tránh khỏi những tâm tư, trong đó có cả cách tiếp cận một số vấn đề chưa đầy đủ cơ sở. Việc Bộ VHTTDL mời đại diện nghệ sĩ tham gia hoạt động kiểm tra thực tế này rất cần thiết, góp phần để các nghệ sĩ hiểu rõ hơn những nỗ lực, cố gắng của Bộ VHTTDL trong phạm vi trách nhiệm của mình để bảo quản, phát huy tốt nhất giá trị của những bộ phim kinh điển, giá trị trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam.
“Từ thực tế ghi nhận tại Viện Phim Việt Nam cùng các ý kiến, chỉ đạo của lãnh đạo Bộ VHTTDL và các Cục, Vụ, đơn vị chức năng thuộc Bộ, tôi sẽ trình bày, trao đổi và nói rõ để các nghệ sĩ của Hãng phim hiểu cụ thể, đầy đủ hơn về nội dung này…”, NSƯT, nhà quay phim Vũ Đức Tùng cho biết.
“Trong bối cảnh hiện tại khiến các nghệ sĩ của Hãng phim truyện Việt Nam không tránh khỏi những tâm tư, trong đó có cả cách tiếp cận một số vấn đề chưa đầy đủ cơ sở. Việc Bộ VHTTDL mời đại diện nghệ sĩ tham gia hoạt động kiểm tra thực tế này rất cần thiết, góp phần để các nghệ sĩ hiểu rõ hơn những nỗ lực, cố gắng của Bộ VHTTDL trong phạm vi trách nhiệm của mình để bảo quản, phát huy tốt nhất giá trị của những bộ phim kinh điển, giá trị trong lịch sử điện ảnh cách mạng Việt Nam”. NSƯT, nhà quay phim Vũ Đức Tùng, một trong số 19 nghệ sĩ ký tên trong đơn kiến nghị.
Tháo gỡ những vướng mắc gây nên tình trạng bức xúc, bế tắc đang diễn ra ở Hãng phim truyện Việt Nam không thể diễn ra một cách chóng vánh. Tuy nhiên, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, cùng với những nỗ lưc trong thực hiện kết luận, chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ và Thanh tra Chính phủ về công tác cổ phần hoá tại Hãng phim truyện Việt Nam, lãnh đạo Bộ VHTTDL luôn luôn lắng nghe tiếng nói, tâm tư, nguyện vọng của các nghệ sĩ. Việc hiểu đúng, hiểu đủ những vấn đề liên quan đến cổ phần hoá tại Hãng phim cũng sẽ góp phần đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ những vướng mắc kéo dài lâu nay, từ đó có phương án củng cố, sắp xếp Hãng phim theo chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ.
Theo Báo Văn hóa