“Memento mori: Nước” của đạo diễn Marcus Mạnh Cường Vũ là một trong các phim tham gia Chợ dự án LHP quốc tế Busan năm 2021 Ảnh: Facebook Marcus Mạnh Cường Vũ
Đem phim đi… “đánh xứ người”
Điện ảnh Việt xưa nay làm phim từ ba nguồn vốn chính, đó là vốn Nhà nước, vốn tư nhân và tài trợ nước ngoài (từ các tổ chức, quỹ phát triển điện ảnh…). Trên thực tế, không dễ huy động vốn từ Nhà nước bởi mất khá nhiều thời gian, đạo diễn trẻ phải tìm đến phương án khác như nguồn vốn tư nhân và nhất là vốn đầu tư nước ngoài ở các chợ dự án LHP, quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quốc tế… Thế nhưng, đây cũng không phải hành trình đơn giản. Chia sẻ với Văn Hóa, đạo diễn trẻ Đỗ Quốc Trung, Giải BGK Chợ dự án LHP quốc tế Hà Nội lần thứ VI cho biết: “Làm phim ở Việt Nam không dễ. Để tăng cơ hội thu hút vốn đầu tư thì nhà làm phim phải đem phim đi… “đánh xứ người”. Thời gian qua, do ảnh hưởng dịch bệnh, việc ra nước ngoài “kéo” vốn lại càng khó khăn dẫn đến thời gian thực hiện dự án bị kéo dài. Chưa kể, đi như vậy rất vất vả cho đạo diễn, trong khi Việt Nam hoàn toàn có thể tạo ra “sân chơi” để các nhà đầu tư, đạo diễn phim có cơ hội thương thảo với nhau”.
Đạo diễn người Hàn Quốc Ji Un Choi thì cho rằng, đến được LHP, tiếp cận được với quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh quốc tế, nhưng xin được vốn hay không lại là câu chuyện khác. “Những nhà làm phim độc lập, đạo diễn trẻ thường gặp nhiều khó khăn trong việc thu hút vốn đầu tư cho phim, nhất là với những dự án có tính thể nghiệm, nghệ thuật cao, vì những phim này rất khó phát hành rộng rãi tại các cụm rạp. Nhà đầu tư nhìn thấy rủi ro thì hiếm ai mặn mà “xuống tiền”. Bên cạnh đó, xin hỗ trợ từ quỹ đầu tư cũng không phải đơn giản; đôi khi có trường hợp quỹ có khoản hỗ trợ trị giá 50.000 USD nhưng thực tế chỉ xin được… một nửa. Chưa kể, thỏa mãn tất cả điều kiện xin được vốn làm phim, một đạo diễn có thể mất đến 5-7 năm, thậm chí là cả chục năm đeo đuổi”.
Tương tự, đạo diễn Lê Bình Giang nhận định, đạo diễn trẻ đang rất khát vốn để làm những bộ phim mang lại giá trị văn hóa - xã hội, nghệ thuật. “Tôi “thấm” cảm giác phải mang phim Việt ra nước ngoài để xin vốn đầu tư. Từ LHP Busan, Locarno, châu Á - Thái Bình Dương… không nơi đâu thiếu dấu chân đạo diễn trẻ của Việt Nam. Đến với các sự kiện lớn của điện ảnh để hút vốn, các đạo diễn trẻ phải tự xoay xở ở xứ người nhưng không phải ai cũng làm được. Một hồ sơ của đạo diễn Việt Nam phải cạnh tranh với cả trăm bộ hồ sơ khác đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Phim tốt, hồ sơ chuyên nghiệp thôi chưa đủ, mà còn cần đến cả sự may mắn nữa”, đạo diễn Lê Bình Giang bày tỏ.
Hãy thay đổi đi!
Theo bà Ngô Thị Bích Hạnh, Tổng Giám đốc BHD, việc huy động vốn làm phim hiện nay đã quen thuộc với các hãng phim tư nhân. Tuy nhiên, họ thu hút nguồn tiền chủ yếu để làm phim giải trí với mục đích bán vé để “gỡ gạc” lại số tiền đã bỏ ra đầu tư. Những đạo diễn hướng đến dòng phim nghệ thuật, thể nghiệm sẽ khó tiếp cận với dòng tiền hơn, vì những dự án này không dễ để kinh doanh, thu hồi vốn. Vì lẽ đó, bà Ngô Thị Bích Hạnh nhận định: “Đạo diễn trẻ muốn phim nghệ thuật của mình hút được kinh phí hỗ trợ thì phải có được kịch bản chất lượng để hấp dẫn nhà đầu tư. Chúng tôi rất đồng cảm với những khó khăn của các bạn khi phải mang phim đi “kéo” vốn ở nước ngoài. Thực tế, nhiều dự án phim nghệ thuật do đạo diễn trẻ Việt Nam ấp ủ có chất lượng tốt, do đó, để tăng cơ hội giúp các dự án được thực hiện, ngoài kênh chợ dự án ở các LHP quốc tế, tôi mong giới làm phim tư nhân trong nước hãy mạnh dạn nghiên cứu, tạo điều kiện hỗ trợ cho họ. Nếu trong nước không được, khi ra nước ngoài, các bạn hãy cố gắng liên kết được với nhà làm phim của chính nước đang định xin tài trợ. Hơn ai hết, họ là những người hiểu tâm lý nhà đầu tư của quốc gia đó”.
Tư vấn cho các đạo diễn đang mong muốn có thêm kinh phí làm dự án, bà Seri Park, Phụ trách Chợ dự án của LHP quốc tế Busan cho rằng, bất kỳ nền điện ảnh nào muốn phát triển mạnh thì không nên chỉ dựa vào nguồn vốn Nhà nước mà cần biết linh hoạt về tài chính cũng như khả năng tự tìm kiếm cơ hội. “Để làm một bộ phim không chỉ cần kinh phí sản xuất mà còn cần đến tiền quảng bá. Tôi biết một số trường hợp, phim được Nhà nước tài trợ sản xuất nhưng lại không có nổi một đồng để đi quảng bá, nên rốt cuộc hiệu quả không được như mong muốn. Nói vậy không có nghĩa vốn ngân sách Nhà nước không chất lượng, mà tôi hy vọng các đạo diễn hãy linh hoạt hơn trong tìm kiếm cơ hội, tìm thêm các đối tác đang có nhu cầu quảng bá bằng nghệ thuật điện ảnh”.
Ngoài ra, Phụ trách Chợ dự án LHP quốc tế Busan cho hay, không chỉ các cá nhân là đạo diễn hay hãng phim tư nhân mới phải tìm tài trợ, mà ngay cả các hãng phim Nhà nước cũng nên thực hiện điều đó. Nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước có hạn và gặp nhiều khó khăn, nhất là sau quãng thời gian chịu ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Việc sản xuất phim có thể huy động vốn từ nhiều kênh khác nhau, miễn là mang lại hiệu quả và những giá trị tốt đẹp.
Theo Báo Văn hóa