Chính sách đào tạo đội ngũ đạo diễn, diễn viên, biên tập, thiết kế và quay phim điện ảnh

30/09/2022
In trang
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có Công văn số 3683/BVHTTDL-VP ngày 26/9/2022 trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Hồ Chí Minh do Ban Dân nguyện chuyển đến theo Công văn số 685/BDN ngày 29/7/2022. Trong đó có một số nội dung liên quan đến lĩnh vực điện ảnh, cụ thể:

Cử tri kiến nghị Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch có chính sách đào tạo đội ngũ ê kíp trẻ đạo diễn, diễn viên, biên tập, thiết kế quay phim, âm nhạc… có trình độ ngoại ngữ, có đam mê, tài năng, tố chất thực sự; tuyển chọn kỹ lưỡng từ 3 miền Bắc, Trung, Nam (tránh trường hợp cục bộ) đưa đi du học ở nước ngoài (Mỹ, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hong Kong, …) để cập nhật mới, hay và lạ về phục vụ đất nước.

Trả lời: Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tham mưu đề xuất Chính phủ trình Quốc hội hồ sơ Dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi) và được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 15 tháng 6 năm 2022, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2023, trong đó có quy định về phát triển nguồn nhân lực điện ảnh. Tại Điều 6 Luật Điện ảnh (sửa đổi) quy định như sau:

1. Nhà nước có chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, tạo điều kiện phát triển tài năng điện ảnh, ưu tiên hỗ trợ tài năng trẻ; đãi ngộ thích hợp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực điện ảnh.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư, xây dựng một số cơ sở đào tạo, ngành đào tạo về điện ảnh đạt tiêu chuẩn quốc tế; hỗ trợ các cơ sở đào tạo về văn hóa nghệ thuật đào tạo chuyên ngành hoặc liên kết đào tạo điện ảnh ở trong nước và nước ngoài.

3. Nhà nước khuyến khích đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao công nghệ nhằm phát triển nguồn nhân lực điện ảnh phục vụ sản xuất, phát hành, phổ biến phim thông qua triển khai các chương trình, dự án của Nhà nước và hợp tác với nước ngoài; kết hợp đào tạo nguồn nhân lực điện ảnh với nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ".

Giảng viên Trường INSAS: Alice Jacqueline Lemaire giảng dạy cho sinh viên lớp Sản xuất phim, Khoa Nghệ thuật Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu, Điện ảnh Hà Nội

Ngày 06 tháng 3 năm 2020, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 756/QĐ-BVHTTDL phê duyệt Đề án "Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030", với mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, lực lượng nòng cốt phục vụ cho sự nghiệp đào tạo, nghiên cứu và biểu diễn văn hóa nghệ thuật của đất nước. Theo kế hoạch, từ năm 2020 đến năm 2030, lựa chọn và cử đi đào tạo dài hạn ở nước ngoài khoảng 30 học sinh trung cấp, 227 cử nhân, 144 thạc sĩ và 45 tiến sĩ; bồi dưỡng ngắn hạn cho khoảng 325 giảng viên, giáo viên, nghiên cứu viên, học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh các cơ sở đào tạo, nghiên cứu văn hóa nghệ thuật. Các cơ sở đào tạo được lựa chọn tại các nước tiên tiến, có kinh nghiệm, uy tín trong đào tạo về văn hóa nghệ thuật đối với các lĩnh vực và ngành đào tạo thuộc Đề án, gồm: Liên bang Nga, Trung Quốc, Pháp, Đức, Australia, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Hoa kỳ, New Zealand và một số quốc gia khác, trong đó lựa chọn các cơ sở đào tạo đã có thỏa thuận với Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam về việc công nhận văn bằng, chứng chỉ đào tạo... Tính đến nay, đã có 29 ứng viên tuyển sinh đang theo học tại các quốc gia: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Úc, Vương quốc Anh, Canada. Trong số 16 lưu học sinh (LHS) đã tuyển các năm 2018, 2019 có 03 LHS (Mỹ, Úc) đã về nước và hoàn thành thủ tục báo cáo tốt nghiệp, 09 LHS đang theo học tại Hoa Kỳ dự kiến tốt nghiệp trong năm 2022, 04 LHS đang theo học tại Liên bang Nga.

Hằng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức tuyển chọn, bồi dưỡng ngoại ngữ và chính trị tư tưởng cho đối tượng trúng tuyển trước khi đi đào tạo ở nước ngoài. Việc tuyển sinh, lựa chọn được thông báo rộng rãi trên cả nước tới các cơ quan, đơn vị, gồm: các sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao và các cơ sở đào tạo và có đào tạo văn hóa nghệ thuật trên cả nước, đồng thời đưa trên trang tin điện tử của cơ quan chủ trì thực hiện.

Giảng viên Trường INSAS: Aurelien Jean J. Bodinaux giảng dạy cho sinh viên lớp Sản xuất phim, Khoa Nghệ thuật Điện ảnh

Trên thực tế, đối với lĩnh vực điện ảnh, trong những năm gần đây, các cơ sở đào tạo trong nước đã và đang thúc đẩy hợp tác quốc tế về đào tạo, liên kết, trao đổi đào tạo với tổ chức Hiệp hội các trường điện ảnh và truyền hình quốc tế CILECT, Mạng lưới đại học Châu Âu - ASIA (ASIA-UNINET); cử sinh viên tham gia các hội nghị - hội thảo về Sản xuất phim quốc tế như: Hội thảo Sản xuất phim kỹ thuật số Nhật Bản tại Malaysia; Hội thảo sản xuất phim và dựng phim tại Malaysia 2019; khuyến khích sinh viên đăng ký học tập ở nước ngoài (học chuyên ngành Quay phim Điện ảnh tại Mỹ); hợp tác với Hiệp hội Courant 3D - Pháp, Viện Pháp ngữ, Lãnh sự quán Pháp… tổ chức Lễ hội Phim ngắn Pháp.

Bên cạnh các dự án đào tạo của các trường điện ảnh trong phạm vi hoạt động thường niên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với đối tác nước ngoài tổ chức các khóa học kỹ thuật nâng cao tay nghề cho các ngành kỹ sư, kỹ thuật điện ảnh như: Khóa dựng phim và âm thanh do Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Điện ảnh Mỹ tài trợ; key learning sound do KOFIC hỗ trợ. Ngoài ra, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch còn tổ chức các đoàn đi học tập ở nước ngoài nằm trong dự án, chương trình do nhà nước hỗ trợ như: Khóa học phim hoạt động tại Nhật Bản, về công nghiệp văn hóa tại Nhật Bản; đồng thời phối hợp, tổ chức chương trình đào tạo ngắn hạn nhằm nâng cao tay nghề cho các nhà làm phim Việt Nam. Cụ thể, trong các kỳ Liên hoan Phim Quốc tế Hà Nội, chương trình Đào tạo tài năng trẻ được tổ chức trong 5 ngày với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà làm phim uy tín quốc tế, các tác giả trẻ của Việt Nam được tiếp cận, trao đổi và học hỏi kinh nghiệm, sáng tác một số kịch bản chất lượng tham dự Liên hoan Phim quốc tế.

Minh Ước

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan