Tham dự Lễ bế mạc và Trao giải có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận; Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông – Trưởng ban Chỉ đạo LHP Việt Nam lần thứ XXIII; đại diện lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành Trung ương và lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, TP.HCM, các đại biểu, nghệ sĩ điện ảnh và khán giả.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành phát biểu tại buổi lễ bế mạc
Phát biểu tại lễ Bế mạc và Trao giải, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành – Trưởng BTC LHP Việt Nam XXIII nhấn mạnh, với thông điệp “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, LHP Việt Nam lần thứ XXIII đã diễn ra tại thành phố Đà Lạt có 130 năm hình thành và phát triển, đầy thơ mộng, mến khách, nơi đất lành hội tụ rất nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể quốc gia, quốc tế. LHP đã đem tới cảm hứng sáng tạo nghệ thuật, hào hứng, ấn tượng đối với các nghệ sĩ điện ảnh và khán giả bởi đây là một kỳ LHP có số lượng phim tham dự nhiều nhất từ trước tới nay. Từ 177 bộ phim tham dự, Hội đồng tuyển chọn đã chọn được 146 bộ phim, gồm 91 bộ phim dự thi và 56 bộ phim trong chương trình toàn cảnh.
Đánh giá chung về chất lượng phim dự thi LHP Việt Nam lần thứ XXIII, Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng, đối với thể loại phim truyện năm nay có nhiều bộ phim truyện hay, chất lượng nghệ thuật được nâng cao, có nhiều sáng tạo trong ngôn ngữ điện ảnh, nhiều tìm tòi độc đáo trong cách kể một câu chuyện. Đội ngũ làm phim từ nhà sản xuất, biên kịch, đạo diễn, diễn viên, quay phim, âm nhạc, âm thanh và dựng phim ngày càng chuyên nghiệp. 16 bộ phim truyện dự thi với nội dung và hình thức thể hiện đa dạng, phong phú. Nhiều phim có nội dung tư tưởng tốt, nghệ thuật thể hiện lôi cuốn, hướng tới giá trị nhân văn thông qua hệ thống nhân vật; khai thác cái đẹp, sự nhân ái và đặc biệt là đi sâu vào vẻ đẹp trong tâm hồn Việt Nam, con người Việt Nam; cùng với bối cảnh, âm nhạc và âm thanh, tạo nên một tác phẩm mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam.
Đạo diễn Bùi Thạc Chuyên và ê-kíp (bộ phim “Tro tàn rực rỡ”) nhận giải Bông Sen Vàng
Về phim hoạt hình, 25 bộ phim hoạt hình tranh giải tại LHP Việt Nam lần thứ XXIII cho thấy sự phong phú, đa dạng về nội dung, đề tài và hình thức thể hiện. Nhiều bộ phim đã mang lại những cảm xúc tốt đẹp, thể hiện sâu sắc tính nhân văn và thẩm mỹ cao. Các đề tài về lịch sử được đầu tư, thể hiện khá công phu và sáng tạo về tạo hình bối cảnh, tạo hình nhân vật và thiết kế âm thanh.
Về phim tài liệu và phim khoa học, ông Vi Kiến Thành đánh giá, 31 phim dự thi có đề tài khá đa dạng, phản ánh mọi mặt của đời sống xã hội, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Chất lượng phim khá đồng đều và hé mở phong cách làm phim mới tiếp cận với ngôn ngữ điện ảnh tài liệu thế giới, cho thấy triển vọng mới về hội nhập quốc tế đối với lĩnh vực phim tài liệu, xuất hiện xu hướng sáng tác mới trong phim tài liệu. Phim Khoa học có một số phim tốt nổi bật.
Trong khuôn khổ LHP, hai cuộc Hội thảo chuyên đề về xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam và bản quyền trong lĩnh vực điện ảnh với hơn 400 đại biểu tham dự, gần 30 ý kiến tham luận, góp ý kiến thẳng thắn, thiết thực, đề xuất giải pháp để xây dựng ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam.
Triển lãm Đà Lạt khơi nguồn cảm hứng điện ảnh đã thu hút 1.500 lượt du khách và nhân dân thành phố Đà Lạt đến thưởng thức. Nhiều nghệ sĩ và người xem Triển lãm đã rất cảm động, thấy tự hào khi được nhìn lại những hình ảnh trong các bộ phim của 70 năm Điện ảnh cách mạng Việt Nam xây dựng và phát triển.
Đại diện các đoàn làm phim nhận giải Bông Sen Bạc
Điểm đặc biệt nữa của LHP Việt Nam lần thứ XXIII, là Lễ Khai mạc LHP vào ngày 21-11 được diễn ra trong không gian rộng lớn tại Quảng trường Lâm Viên đã có hơn 5 nghìn khán giả và hơn 350 nghệ sĩ tham dự. Có gần 500 nghìn lượt khán giả theo dõi trên các nền tảng số, hàng triệu khán giả theo dõi trực tiếp trên Đài Phát thanh Truyền hình Lâm Đồng và hơn 30 đài Phát thanh – Truyền hình các tỉnh tiếp sóng trực tiếp Lễ Khai mạc LHP, đã khẳng định sức hấp dẫn của một sự kiện điện ảnh quốc gia. Đã có gần 800 tin, bài viết, phóng sự về LHP trên báo in, báo điện tử, báo hình, các nền tảng số khác, trong đó có hơn 600 tin, bài, chương trình trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh Lâm Đồng và của các cơ quan báo chí trung ương, địa phương, trên các kênh thông tin truyền thông khác.
Cục trưởng Cục Điện ảnh Vi Kiến Thành cho rằng, với thông điệp “Xây dựng công nghiệp điện ảnh Việt Nam giàu bản sắc dân tộc, hiện đại và nhân văn”, LHP Việt Nam lần thứ 23 thể hiện tinh thần vượt khó sau đại dịch COVID-19, quyết tâm mà ngành Điện ảnh Việt Nam thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng, thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021 và thực hiện “Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”. LHP Việt Nam tiếp tục khẳng định là một sự kiện nghệ thuật quốc gia có dấu ấn chuyên nghiệp cao, thu hút được đông đảo các nhà hoạt động điện ảnh, các nghệ sĩ, với nhiều tác phẩm điện ảnh có chất lượng nghệ thuật tốt, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Phim hoạt hình Giấc mơ của con đoạt giải Bông sen Vàng
Những giải thưởng được trao ở các hạng mục đã làm nóng bầu không khí trong Nhà hát Opera House. Ở hạng mục được quan tâm nhiều nhất- phim truyện điện ảnh, bộ phim Tro tàn rực rỡ được trao giải Bông Sen Vàng; Bông Sen Bạc :ba bộ phim truyện Mẹ ơi, Bướm đây!; Em và Trịnh; Đào, Phở và Piano. Giải thưởng của Ban Giám khảo ở hạng mục này trao cho bộ phim Con Nhót mót chồng. Giải Kỹ xảo điện ảnh xuất sắc được trao cho bộ phim Cô gái từ quá khứ.
Cũng ở hạng mục phim truyện điện ảnh, giải đạo diễn xuất sắc được trao cho đạo diễn Bùi Thạc Chuyên- phim Tro tàn rực rỡ; Giải đạo diễn phim truyện đầu tay xuất sắc: Andy Nguyễn, phim Fanti; Giải tác giả kịch bản xuất sắc: tác giả Lưu Huỳnh- phim Mẹ ơi, Bướm đây!; Giải quay phim xuất sắc: nhà quay phim Nguyễn K’Linh – phim Tro tàn rực rỡ và nhà quay phim Nguyễn Phan Linh Đan- phim Cô gái từ quá khứ.
Ban tổ chức trao giải thưởng nam – nữ diễn viên xuất sắc nhất
Giải thưởng Nữ diễn viên chính xuất sắc: diễn viên Đinh Y Nhung và diễn viên Mai Cát Vi- bộ phim Mẹ ơi, Bướm đây!; Giải Nam diễn viên chính xuất sắc: diễn viên Thái Hòa- phim Con Nhót mót chồng; Nữ diễn viên phụ xuất sắc: diễn viên Bùi Lan Hương – phim Em và Trịnh; Giải thưởng Nam diễn viên phụ xuất sắc: Lê Công Hoàng – bộ phim Tro tàn rực rỡ.
Họa sĩ thiết kế mỹ thuật xuất sắc: họa sĩ Ghia Ci Fam – phim Người vợ cuối cùng; Âm nhạc xuất sắc: nhạc sĩ Tôn Thất An- phim Tro tàn rực rỡ; Giải Thiết kế âm thanh xuất sắc: Vick Võ Hoàng – phim Em và Trịnh.
Nữ đạo diễn trẻ Hà Lệ Diễm và các nhân vật trong phim đón nhận Giải thưởng Bông Sen Vàng cho phim tài liệu “Những đứa trẻ trong sương”
Ở hạng mục phim tài liệu, Bông Sen Vàng gọi tên bộ phim đã xuất sắc chiến thắng ở nhiều LHP, dành được các giải thưởng danh giá trong thời gian qua- Những đứa trẻ trong sương; Bông Sen Bạc: hai bộ phim Hai bàn tay, Trời Hà Nội mãi xanh – Tập 2: Bầu trời của hòa bình; Giải thưởng của BGK ở hạng mục phim tài liệu: hai bộ phim Đường đến hòa bình và Người ơi, đừng khóc cuối đường.
Giải thưởng “Cao nguyên hùng vĩ” cho phim có bối cảnh quay xuất sắc tại tỉnh Lâm Đồng trong LHP Việt Nam lần thứ XXIII được trao cho bộ phim Em và Trịnh (đạo diễn Phan Gia Nhật Linh). Giải Khán giả bình chọn thuộc về bộ phim Siêu lừa gặp siêu lầy.
Đạo diễn Phan Gia Nhật Linh, đại diện đoàn phim “Em và Trịnh” đón nhận Giải thưởng Cao nguyên hùng vĩ
Đạo diễn Hà Lệ Diễm, phim Những đứa trẻ trong sương thêm một lần xuất sắc khi được trao giải thưởng đạo diễn xuất sắc; Giải Tác giả kịch bản xuất sắc: tác giả Đặng Thị Linh – phim Hai bàn tay; Quay phim xuất sắc hạng mục phim tài liệu: nhà quay phim Nguyễn Thiên Định – phim Biển đói; Giải Âm thanh xuất sắc: Chu Đức Thắng và Đào Thị Hằng – phim Thép trong lòng biển sâu.
Bông Sen Vàng thể loại phim khoa học được trao cho tác phẩm Nghiên cứu về ứng dụng công nghệ trong chữa cháy; Bông Sen Bạc: phim Rác chìm. Ngoài ra, hạng mục này còn có Giải thưởng của Ban Giám khảo; giải đạo diễn xuất sắc; Tác giả kịch bản xuất sắc; Quay phim xuất sắc; Âm thanh xuất sắc.
Các đạo diễn nhận giải Đạo diễn xuất sắc nhất
Ở thể loại phim hoạt hình, Bông Sen Vàng được trao cho phim Giấc mơ của con, Công ty CP Hãng phim Hoạt hình Việt Nam sản xuất; Bông Sen Bạc cho bộ phim Nụ cười; Bà của Đỗ Đỏ. Hạng mục này cũng trao các giải thưởng của Ban Giám khảo; giải đạo diễn xuất sắc; tác giả kịch bản xuất sắc; họa sĩ tạo hình xuất sắc; họa sĩ diễn xuất xuất sắc; âm nhạc xuất sắc; âm thanh xuất sắc.
LHP Việt Nam lần thứ XXIII đã thể hiện sức hút của điện ảnh khi được đông đảo khán giả cả nước và người dân tỉnh Lâm Đồng, các nghệ sĩ, các nhà làm phim, nhà sản xuất điện ảnh và báo giới trong nước đặc biệt quan tâm.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông phát biểu tại lễ bế mạc
Phát biểu tại Lễ Bế mạc và Trao giải, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông, Trưởng Ban chỉ đạo khẳng định, LHP Việt Nam lần thứ XXIII – sự kiện văn hóa nghệ thuật quốc gia đã thành công tốt đẹp, ghi được dấu ấn đậm nét trong lòng khán giả và các nghệ sĩ điện ảnh.
“Để điện ảnh Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới đòi hỏi cần sự nỗ lực của các cơ quan quản lý ngành, các nhà hoạt động điện ảnh, các doanh nghiệp sản xuất phim, phát hành – phổ biến phim và sự ủng hộ của công chúng khán giả. Đội ngũ những người hoạt động điện ảnh, các nghệ sĩ phải vững vàng về bản lĩnh chính trị, tư tưởng; không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ để vừa tiếp thu được tinh hoa của điện ảnh thế giới, vừa giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam. Các nghệ sĩ điện ảnh tiếp tục nỗ lực sáng tạo, cống hiến nhiều hơn nữa để có những tác phẩm thu hút công chúng khán giả, góp phần xây dựng điện ảnh trở thành nền công nghiệp văn hóa vươn ra thị trường quốc tế…” – Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh.
LHP Việt Nam lần thứ XXIV sẽ được tổ chức tại TP.HCM vào năm 2025.
Lá cờ LHP Việt Nam được trao cho đại diện UBND TP.HCM đơn vị đăng cai tổ chức LHP Việt Nam lần thứ XXIV
Theo Tạp chí Văn hóa nghệ thuật