Hội thảo điện ảnh quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á”

20/03/2023
In trang
Chiều 14.3 tại Hà Nội, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức hội thảo điện ảnh quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh ở Việt Nam và Đông Nam Á”.

Tới dự Hội thảo có ông Trần Thanh Lâm, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông; TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển Điện ảnh Việt Nam; Trưởng Văn phòng đại diện UNESCO tại Việt Nam Christian Manhart; Chủ tịch Hội đồng Lý luận Phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương Nguyễn Thế Kỷ và sự tham dự của đại diện các cơ quan, đơn vị sản xuất điện ảnh, nhà quản lý và đông đảo các nhà làm phim…

Thứ trưởng Tạ Quang Đông phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Tạ Quang Đông khẳng định, Điện ảnh Việt Nam đang trong dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập ngành Điện ảnh cách mạng Việt Nam 15/3/1953 - 15/3/2023. Đây là cột mốc quan trọng trong sự phát triển của điện ảnh Việt Nam. Các ý kiến đóng góp, kinh nghiệm của các nước, tại Hội thảo là những bài học quý để điện ảnh Việt Nam tham khảo và có những hoạch định phát triển.

Thứ trưởng bày tỏ, Việt Nam có nền tảng pháp lý để thúc đẩy phát triển điện ảnh. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, để điện ảnh Việt Nam tiến kịp với điện ảnh quốc tế đi vào đời sống, thì việc xây dựng những chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh là rất cần thiết. Trong đó, Thứ trưởng Tạ Quang Đông nhấn mạnh đến việc hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực vô cùng quan trọng và sẽ được các cơ quan quản lý xúc tiến, xây dựng, triển khai phù hợp. Trong đó, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong việc khuyến khích, có chính sách ưu đãi đối với việc sản xuất phim.

"Qua những phân tích, giải pháp cụ thể, thiết thực, các nhà quản lý, hoạch định chính sách, các nghệ sĩ sáng tạo, các nhà làm phim Việt Nam và Đông Nam Á có thể tham khảo để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh ở mỗi nước và cùng nhau tạo sự phát triển chung của điện ảnh khu vực"- Thứ trưởng Tạ Quang Đông tin tưởng.

Toàn cảnh Hội thảo

Đề dẫn hội thảo, TS. Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khẳng định, điện ảnh là ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đã tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên từ khung pháp lý, để luật đi vào cuộc sống cần có những cơ chế, chính sách phù hợp và hiệu quả.

“Bởi vậy, việc giao lưu trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sĩ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam với các chuyên gia đến từ những nước đã có kinh nghiệm xây dựng công nghiệp điện ảnh nhiều thập kỷ qua, cùng các nước gần gũi trong khu vực Đông Nam Á là rất bổ ích và thiết thực…”, TS. Ngô Phương Lan khẳng định.

Tại phiên thảo luận thứ nhất “Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim”, nhiều ý kiến đại biểu đồng thuận rằng, để phát triển điện ảnh thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn, các chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim, bảo hộ phim trong nước vô cùng quan trọng. Theo NSND Đặng Nhật Minh, việc Nhà nước đặt hàng và tài trợ sản xuất phim hằng năm đã tạo nên nhiều bộ phim hay cho điện ảnh Việt Nam. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc chọn lựa phim Nhà nước hỗ trợ phải được chọn lọc kỹ càng hơn. Bởi nếu chỉ đặt hàng một vài gương mặt nhà làm phim quen thuộc, hoặc lựa chọn từ kịch bản có sẵn để hỗ trợ đặt hàng thì khó có phim hay. Các cơ quan quản lý phải tổ chức các cuộc thi rộng lớn, huy động nhiều đối tượng tham gia, để “đãi cát tìm vàng” chọn kịch bản tốt, người làm phim tốt mới tạo được những bộ phim thành công.

Phiên thảo luận thứ hai với chủ đề "Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim" do bà Nguyễn Phương Hòa - Cục trưởng Cục Hợp tác quốc tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch điều phối có sự tham gia của các chuyên gia: Biên kịch, Đạo diễn Phan Đăng Di; bà Vivian Idris - Chuyên gia Điện ảnh Cấp cao, Phó Chủ tịch Hội đồng Điện ảnh Indonesia; ông AJ. Kissada Kamyoung (Ohm) - Nhà sản xuất, cán bộ nghiên cứu chủ chốt của Dự án Thúc đẩy Kết nối và Thiết kế Môi trường sáng tạo cho các nhà làm phim do UNESCO tài trợ tại Thái Lan. Các vấn đề được thảo luận ở phiên 2 là: Chính sách điện ảnh tại các nước ASEAN: chia sẻ thông tin và kinh nghiệm giữa Việt Nam, Indonesia và Thái Lan; Chính sách ưu đãi khi hợp tác, cung cấp dịch vụ sản xuất phim với đối tác nước ngoài; Thu hút đối tác quốc tế đầu tư vào các hãng phim chất lượng cao tại Việt Nam; Tổ chức Liên hoan phim, Giải thưởng điện ảnh.

Phiên thảo luận thứ ba có chủ đề "Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia" do nhà sản xuất Trần Thị Bích Ngọc điều phối. Tham gia thảo luận gồm có các chuyên gia: ông Nguyễn Trinh Hoan - Nhà sáng lập Công ty Cổ phần Sản xuất phim Hoan Khuê (HK Film); Ông David Wilson - Cố vấn cho Ủy ban Vương quốc Anh tại UNESCO; Tiến sĩ Đào Lê Na - Giảng viên Đại học Fullbright, Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu - Điện ảnh, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh. Các vấn đề được đưa ra thảo luận: Phát huy tính sáng tạo, nâng cao năng lực và nuôi dưỡng tài năng điện ảnh; Phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia; Phân phối phim trong nước ra nước ngoài và trên các nền tảng kỹ thuật số; Kinh nghiệm mô hình một số Quỹ Điện ảnh quốc tế.

Minh Ước

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan