Cơ hội để giới thiệu và quảng bá Huế

17/11/2021
In trang

Sau 22 năm (kể từ năm 1999), Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII (LHP) từ ngày 18 đến 20/11. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh rất quyết tâm tổ chức LHP thành công. Trước thềm LHP, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trò chuyện với TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII của tỉnh Thừa Thiên Huế, xung quanh công tác chuẩn bị cho sự kiện điện ảnh này.

Sau 22 năm (kể từ năm 1999), Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII (LHP) từ ngày 18 đến 20/11. Dù dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng tỉnh rất quyết tâm tổ chức LHP thành công. Trước thềm LHP, Báo Thừa Thiên Huế có cuộc trò chuyện với TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII của tỉnh Thừa Thiên Huế, xung quanh công tác chuẩn bị cho sự kiện điện ảnh này.

TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa & Thể thao

Thưa ông, đến nay, công tác chuẩn bị cho LHP đã được tiến hành đến đâu?

Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII theo kế hoạch ban đầu sẽ được tổ chức vào tháng 9, sớm hơn mọi kỳ LHP khoảng 2 tháng bởi thời tiết đặc thù ở Huế. Tuy nhiên, do tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, ban tổ chức quyết định lùi thời gian tổ chức LHP sang tháng 11, đồng thời, Thừa Thiên Huế đã có các phương án và sự chuẩn bị tích cực để có thể tổ chức thành công sự kiện văn hóa lớn nhất trong năm này.

Hạn chế ảnh hưởng của thời tiết không thuận lợi cũng như đảm bảo an toàn trong tình hình dịch bệnh, các hoạt động được tổ chức tinh gọn, tập trung, không dàn trải theo hướng tổ chức các hoạt động trong nhà, đồng thời cũng tính đến việc tổ chức một số hoạt động ngoài trời với quy mô vừa phải để khai thác triệt để những lợi ích có được từ liên hoan. Để đại biểu, khách mời thuận lợi tham dự các sự kiện, các địa điểm tổ chức các sự kiện được xác định như thể những vệ tinh xung quanh điểm chính của LHP là Nhà hát Sông Hương, từ đó, tạo thành một chuỗi kết nối, thống nhất.

Để LHP đảm bảo thành công, Thừa Thiên Huế chuẩn bị rất cẩn trọng trong việc xây dựng các phương án, kịch bản chi tiết cụ thể cho nhiều cấp, ngành khác nhau, từ kế hoạch của tỉnh cho đến kế hoạch của từng ngành, đơn vị liên quan, chuẩn bị nguồn lực, cơ sở vật chất, phân công trách nhiệm cho các ngành; kịch bản chi tiết cho từng chương trình, sự kiện hưởng ứng và đặc biệt là kịch bản để phòng, chống và ứng phó với dịch COVID-19.

Thừa Thiên Huế đã sẵn sàng cho sự kiện văn hóa nghệ thuật lớn nhất trong năm này. Chúng tôi đang phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát lại những việc cuối cùng. Nhà hát Sông Hương với quy mô 1.000 chỗ, được đánh giá là một trong những nhà hát nghệ thuật đẹp nhất Đông Nam Á, là nơi diễn ra lễ bế mạc và trao giải thưởng của LHP lần thứ XXII. Gần Học viện Âm nhạc Huế, hệ thống các khách sạn dự kiến để đón đại biểu về dự cũng đã chuẩn bị sẵn sàng, kể cả việc kích hoạt hệ thống phòng, chống dịch COVID-19 và xử lý các tình huống khẩn cấp nếu có.

Cảnh quay phim "Kiều" tại Huế. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Điều nhiều người quan tâm là công tác đảm bảo an toàn khi tổ chức LHP trong bối cảnh dịch bệnh. Ban tổ chức có sự chuẩn bị như thế nào?

Ban tổ chức áp dụng quy tắc “một cung đường, hai điểm đến” nhằm kiểm soát lịch trình và hỗ trợ việc kiểm tra dịch theo quy định phòng, chống dịch bệnh của Bộ Y tế đối với tất cả các đại biểu và khách mời. Theo đó, đại biểu, khách mời tham dự cần có “Thẻ xanh COVID”; có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính bằng phương pháp RT-PCR trong vòng 72 giờ hoặc test nhanh COVID-19 ngay sau khi có mặt tại Thừa Thiên Huế. Đại biểu và khách mời cũng hạn chế với khoảng 350 người từ các thành phố khác đến Huế; đảm bảo giãn cách, thực hiện 5K nghiêm túc và các quy định khác về phòng, chống dịch COVID-19. Hệ thống khách sạn được kiểm soát đầu vào, đầu ra chặt chẽ, tăng cường hệ thống giám sát để đảm bảo an toàn.

Công tác tổ chức hẳn rất khó khăn?

Tổ chức một sự kiện quy mô quốc gia trong hoàn cảnh này rõ ràng rất áp lực. Hiện nay, các ca dương tính xuất hiện trong cộng đồng rất phức tạp. Khi đón nhiều người từ các vùng dịch về Huế, ban tổ chức phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế để đưa ra các kịch bản, phương án giám sát cũng như chuẩn bị cách xử lý tốt nhất nếu xảy ra các tình huống, đảm bảo các hoạt động vẫn diễn ra bình thường. Tỉnh quyết tâm tổ chức nhưng phải chuẩn bị cách xử lý các tình huống xảy ra để LHP có thể diễn ra thành công trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.

"Mắt biếc" - bộ phim có cảnh quay tại Huế được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Ảnh: Đoàn phim cung cấp

Việc rút gọn hoạt động có ảnh hưởng đến sự thành công của LHP kỳ này?

Liên hoan Phim Việt Nam là dịp để các nhà làm phim, đạo diễn, diễn viên bên cạnh việc thi thố, tranh tài, khẳng định vị trí, tìm tòi sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật thứ 7, còn là dịp giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Việc thay đổi phương thức tổ chức liên hoan chắc chắn không tránh khỏi những hạn chế. Mặt khác, thực hiện việc giãn cách nên số lượng đại biểu, khách mời tham dự liên hoan, chuỗi hoạt động cũng phải điều chỉnh giảm xuống, ảnh hưởng ít nhiều đến quy mô cũng như hiệu quả mang lại đối với địa phương đăng cai tổ chức, dù đó là điều không ai muốn. Trong tình thế hiện nay, việc ban chỉ đạo, ban tổ chức dự phòng phương án tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến sẽ là phương án tối ưu nhất.

Tuy nhiên, với đặc thù là ứng dụng tối đa các phương tiện kỹ thuật, công nghệ hiện đại, do đó, dù có thay đổi phương thức tổ chức, dù trực tiếp hay trực tuyến vẫn đảm bảo các yêu cầu của LHP. Trong bối cảnh hiện nay, các phương thức trực tuyến ngày càng được quan tâm và tạo được hiệu ứng, quảng bá truyền thông tích cực. Vì vậy, việc tổ chức trực tiếp theo lối truyền thống bấy lâu nay hay bằng phương pháp trực tuyến, online không ảnh hưởng đến mục tiêu cuối cùng của LHP. Việc duy trì tổ chức định kỳ hai năm một lần, không bị trì hoãn bởi các nguyên nhân khách quan càng thể hiện tính chuyên nghiệp, sự thích ứng mới của một sự kiện có tầm cỡ quốc gia.

LHP là dịp để quảng bá hình ảnh và văn hóa Huế, ngành văn hóa sẽ làm như thế nào để thể hiện tốt điều này?

LHP là cơ hội để Thừa Thiên Huế giới thiệu, quảng bá hình ảnh về vùng đất, con người đến với công chúng và bạn bè trong nước, quốc tế; tạo cơ hội để các nhà làm phim khám phá, tìm kiếm ý tưởng sản xuất phim về vùng đất, con người Thừa Thiên Huế. Vì vậy, các cấp, ngành đang quyết tâm, tích cực, nỗ lực chuẩn bị để đảm bảo LHP diễn ra thành công nhất.

Nhận diện lại các giá trị truyền thống và tôn vinh áo dài Việt Nam là một trong năm điểm mới của LHP lần này. Đây cũng là cơ hội để chúng ta quảng bá thương hiệu “Huế - Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Tự hào là vùng đất của văn hóa, di sản, đây là dịp để giới thiệu với các đại biểu, nhà làm phim hiểu thêm về lịch sử, văn hóa Huế.

Chúng tôi tăng cường quảng bá, giới thiệu hình ảnh Huế bằng nhiều hình thức, trong đó có cả việc trực tiếp xây dựng bộ phim tư liệu “Xứ Huế và Áo dài” để tham gia LHP lần này. Ban tổ chức còn chuẩn bị một số chương trình tham quan để các đoàn làm phim, đạo diễn, nghệ sĩ khám phá, khảo sát, trải nghiệm các giá trị di sản, văn hóa, nghệ thuật, thiên nhiên và con người xứ Huế. Qua đó, hình thành những ý tưởng sáng tạo nghệ thuật mới, sử dụng bối cảnh đẹp để xây dựng những bộ phim, clip, MV âm nhạc cho những dự án trong tương lai.

Sau 22 năm chờ đợi, Liên hoan Phim Việt Nam lần thứ XXII quay trở lại sẽ là cơ hội để Thừa Thiên Huế thể hiện năng lực và sự trưởng thành trong việc tổ chức các sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế. Dù trong hoàn cảnh rất khó khăn do dịch COVID-19, nhưng với sự chuẩn bị công phu, chuyên nghiệp, ban tổ chức vẫn tin tưởng đây sẽ là một kỳ LHP thành công, để lại dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách và Nhân dân.

Xin cảm ơn ông !

Minh Hiền báo Thừa Thiên Huế

 

{{ error.name }}
{{ error.email }}
{{ error.phone }}
{{ error.content }}

Tin tức liên quan